Thế mạnh của phát thanh khi ứng dụng chuyển đổi số

21/06/2024 - 09:50

BDK.VN - Phát thanh (PT) trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng “phát sóng”, mà còn là sự thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nếp tư duy làm nghề. Từ đó, đặt ra yêu cầu các nhà báo PT phải phát triển kỹ năng đa phương tiện, kỹ năng phân tích dữ liệu thính giả và kỹ năng công nghệ để tạo ra nội dung hấp dẫn, hiệu quả trên các nền tảng số.

Gian trưng bày của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH) tại Hội báo Toàn quốc 2024. Ảnh: Thạch Thảo

Năng lực đa phương tiện

Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3-2024, với 10 phiên thảo luận, gồm: các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí. Thạc sĩ Phan Văn Tú - Chủ nhiệm bộ môn Báo chí thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã có bài tham luận “Nhà báo PT trước yêu cầu chuyển đổi số (CĐS)”.

Theo Thạc sĩ Phan Văn Tú, xuất phát từ đặc thù của PT truyền thống Việt Nam, nền báo chí Việt Nam vốn có một thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa tập thể; việc cá nhân hóa nội dung như một quá trình chuyển đổi thông tin trừu tượng thành câu chuyện gần gũi hơn, kích thích sự quan tâm và tương tác từ phía thính giả…trong chừng mực nào đó là một cuộc cách mạng.

Giờ đây, nhà báo PT không chỉ có máy ghi âm là công cụ sản xuất chính mà là thiết bị đa phương tiện. Năng lực đa phương tiện, gồm: khả năng tạo ra, biên tập, và phát hành nội dung qua nhiều hình thức và kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh, đến video và nội dung tương tác. Nội dung đa phương tiện thu hút sự chú ý và khuyến khích người nghe tham gia tương tác. Từ đó, tăng cường mối quan hệ giữa nhà báo và khán giả.

Kỹ năng cá nhân hóa nội dung thông tin - khai thác đặc trưng thân mật, riêng tư trong báo chí PT. Yếu tố thân mật và riêng tư trong PT được hiểu là khả năng của phương tiện này tạo ra một mối liên kết cá nhân và sâu sắc với người nghe. Đây là một đặc điểm độc đáo của PT, giúp nó trở nên khác biệt so với các phương tiện truyền thông đại chúng khác. PT thường được nghe một mình, qua tai nghe hoặc trong không gian cá nhân như xe hơi, tạo ra một không gian riêng tư giữa người phát sóng và người nghe.

Để khai thác hiệu quả đặc trưng thân mật, riêng tư trong PT nhà báo cần có năng lực cá nhân hoá nội dung. Cá nhân hoá nội dung PT là quá trình chuyển đổi những nội dung khô khan, khó hiểu thành các câu chuyện độc đáo và gần gũi hơn, phản ánh sự riêng tư và cảm xúc của từng người nghe. Để đưa những nội dung khô khan thành những câu chuyện riêng tư, nhà báo PT cần phải có khả năng kể chuyện tốt, biết sử dụng ngôn từ, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh một cách thông minh để tạo ra cảm giác hấp dẫn và thú vị cho người nghe.

Rèn luyện các kỹ năng

Nhà báo PT cần sử dụng dữ liệu và phân tích để hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của người nghe. Từ đó, định hình nội dung cho phù hợp và tăng tính hấp dẫn. Kỹ năng phân tích dữ liệu người nghe của nhà báo PT là khả năng sử dụng các công cụ và phương pháp phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về đối tượng thính giả.

Hiện nay, có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu như Google Analytics, các hệ thống quản lý tương tác khách hàng (CRM), hoặc các nền tảng phân tích dữ liệu đặc biệt cho PT để thu thập và phân tích dữ liệu người nghe. Họ có thể theo dõi số lượng lượt tải xuống, tỷ lệ nghe đến cuối, thời lượng lắng nghe trung bình, và các phản hồi từ mạng xã hội hoặc email.

Nhà báo PT hiện đại cần có hiểu biết vững chắc về công nghệ số, gồm: cách sử dụng phần mềm biên tập âm thanh, quản lý nội dung số, và tối ưu hóa nội dung cho các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội; có năng lực tác nghiệp được ở nhiều mô hình studio khác nhau trong nhiều điều kiện trang bị khác nhau: Phòng thu truyền thống (classic studio), phòng thu đa năng (smart studio), phòng thu một người (oneman studio), phòng thu dã chiến (temporary studio)… Nhà báo PT luôn biết câp nhật, nâng cao khả năng khai thác sử dụng thiết bị công nghệ: sử dụng các công cụ sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện tích hợp tích hợp... ; chủ động và tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Người làm báo PT phải tự rèn luyện, tăng cường kỹ năng giao tiếp, tương tác, đọc/nói, dẫn, biên tập, dàn dựng sản phẩm. Nâng cao năng lực, bản lĩnh trình bày, tương tác trên sóng trực tiếp hay livestream trên các nền tảng...; thích ứng với các phong cách kể chuyện mới và sáng tạo, sử dụng kỹ thuật âm thanh, nhạc nền, và các yếu tố khác để tạo ra những trải nghiệm nghe phong phú và cuốn hút.

Hiện nay, các sản phẩm PT dạng podcast đã mở rộng hình thức ra khỏi khuôn khổ truyền thống chỉ bao gồm âm thanh, mà trở thành một sản phẩm đa phương tiện, được gọi là video podcast. Video podcast, hay còn được biết đến với tên gọi “vodcast”, kết hợp cả hình ảnh và âm thanh trong nội dung của mình, cho phép người xem không chỉ nghe mà còn xem nội dung được sản xuất.

Với vodcast, công chúng truyền thông nhìn thấy người dẫn chương trình, khách mời và thậm chí là các hiệu ứng hình ảnh, biểu đồ hoặc slide được sử dụng trong quá trình trình bày nhưng nội dung chính của sản phẩm vẫn là một chương trình PT.Vodcast mang đến một lớp trải nghiệm thêm cho người nghe/xem, giúp họ có thể tiếp nhận thông tin qua cả thị giác lẫn thính giác.

Thạc sĩ Phan Văn Tú - Chủ nhiệm bộ môn Báo chí thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Việc phát triển kỹ năng đa phương tiện, kỹ năng phân tích dữ liệu thính giả và kỹ năng công nghệ cho nhà báo PT để tạo ra nội dung hấp dẫn, hiệu quả trên các nền tảng số cũng không phải là những vấn đề mới. Các nhà báo PT cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của xã hội hiện nay.

Thạch Thảo (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN