Thông cáo báo chí số 7 Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

01/04/2021 - 20:17

Thứ Năm, ngày 1-4-2021, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ bảy tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ngày 1-4-2021.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ngày 1-4-2021.

Buổi sáng

- Nội dung 1, về công tác nhân sự: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự kiến nhân sự để bầu một số Phó chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách để bầu một số Phó chủ tịch Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành bầu một số Phó chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả như sau:

Có 475 phiếu phát ra; 475 phiếu thu về; 475 đại biểu có mặt trên tổng số 480 ĐBQH, trong đó: i) Ông Trần Thanh Mẫn: có 472 phiếu hợp lệ, 03 phiếu không hợp lệ; 460 phiếu đồng ý (bằng 95.83% tổng số ĐBQH); 12 phiếu không đồng ý (bằng 2.50% tổng số ĐBQH). ii) Ông Nguyễn Đức Hải: có 472 phiếu hợp lệ, 03 phiếu không hợp lệ; 457 phiếu đồng ý (bằng 95.20% tổng số ĐBQH); 15 phiếu không đồng ý (bằng 3.12% tổng số ĐBQH); iii) Ông Nguyễn Khắc Định: có 472 phiếu hợp lệ, 03 phiếu không hợp lệ; 454 phiếu đồng ý (bằng 94.58% tổng số ĐBQH); 18 phiếu không đồng ý (bằng 3.75% tổng số ĐBQH).

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu một số Phó chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức điện tử, kết quả như sau: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95% tổng số ĐBQH); trong đó, có 455 đại biểu tán thành (bằng 94.79% tổng số ĐBQH); 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.21% tổng số ĐBQH).

- Nội dung 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Trong quá trình thảo luận có 03 ĐBQH phát biểu, cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. Các ĐBQH ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể như: việc sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập tham gia vào quá trình kiểm toán; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán; công khai kết luận kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; việc thực hiện kiến nghị của kiểm toán… Sau thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán hoạt động độc lập và tuân theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước đã làm tốt chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập; đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán; có nhiều đổi mới, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động kiểm toán, cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, đảm bảo thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công ngày càng hiệu quả và đóng góp tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo và các ý kiến của đại biểu phát biểu; xây dựng các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Buổi chiều

- Nội dung 1, quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về Quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Quy định này. Trong quá trình thảo luận đã có 6 ĐBQH phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến của các ĐBQH nêu.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội như đề xuất của Chính phủ nhằm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn của chính quyền thành phố Hà Nội. Ngoài ra, các ĐBQH còn tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: chất lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; vị trí pháp lý, cơ chế hoạt động của đại biểu chuyên trách; phương hướng tăng cường hoạt động của đại biểu HĐND; về chế độ phụ cấp của ủy viên chuyên trách HĐND, đại biểu HĐND; về việc xác định vị trí tương đương của Ủy viên chuyên trách HĐND nói riêng và cơ quan dân cử nói chung trong hệ thống chính trị… Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình ý kiến của các ĐBQH; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

- Nội dung 2, về công tác nhân sự: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này.

Thứ Sáu, ngày 2-4-2021: Buổi sáng, Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước; Quốc hội thảo luận ở Đoàn về miễn nhiệm Chủ tịch nước. Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước; nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung trên.

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN