Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đón Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thành viên của Đoàn Thủ tướng Malaysia thăm chính thức Việt Nam gồm: Thủ tướng Mahathir Mohamad; Bộ trưởng Ngoại giao, ông Saifuddin Abdullah; Đại sứ Malaysia tại Việt Nam bà Shariffah Norhana Syed Mustaffa; Tổng Thư ký Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế, ông Lokman Hakim bin Ali; Vụ trưởng Vụ Quốc tế, Văn phòng Thủ tướng, ông Roslan bin Sharif; Phó Tổng Thư ký Vụ Song phương, Bộ Ngoại giao, ông Amran bin Mohamed Zain; Quyền Thư ký Vụ Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam - Oceania, Bộ Ngoại giao, ông Abu Bakar Mamat; Phó Tổng Thư ký Cơ quan Phát triển Thương mại Malaysia, bà Sharimahton Mat Salleh; Chuyên viên đặc biệt của Thủ tướng, ông Sufi Yusni bin Md Yusoff; Trợ lý Thư ký, Vụ Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam - Oceania, Bộ Ngoại giao, ông Muhammad Zulasri Rosdi; Thư ký riêng của Thủ tướng, bà Rozlina binti Jamaluddin; Trợ lý Thư ký báo chí, ông Malek bin Redzuan.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sinh ngày 10-7-1925; trình độ học vấn: Trường Đại học Y khoa King Edward VII Singapore (Đại học Quốc gia Singapore). Quá trình hoạt động chính trị: Năm 1964, ông được bầu làm Nghị sỹ Quốc hội; năm 1971, ông là Nghị sỹ Quốc hội và được kết nạp lại vào Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO). Năm 1973, ông nắm giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. Năm 1975 ông là Phó Chủ tịch UMNO. Đến năm 1978, ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương. Từ tháng 7-1981 đến tháng 10-2003, ông trở thành Thủ tướng thứ tư của Malaysia. Từ năm 2003-2016, ông là cố vấn cho các Tập đoàn nhà nước Petronas, Proton.
Năm 2016, ông rời UMNO, thành lập Đảng Dân tộc Malaysia bản địa thống nhất (PPBM). Tháng 1-2018, ông trở thành Thủ lĩnh Liên minh đối lập Hy vọng. Từ tháng 5-2018 đến nay, ông trở thành Thủ tướng thứ 7 của Malaysia sau khi Liên minh đối lập Hy vọng giành thắng lợi tại Tổng tuyển cử.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có nhiều tiến triển thuận lợi. Quan hệ chính trị ngày càng gần gũi, tin cậy. Hai bên duy trì trao đổi đoàn, triển khai các cơ chế hợp tác song phương hiệu quả. Sự hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, hợp tác an ninh quốc phòng, lao động, du lịch được thúc đẩy. Hai nước phối hợp với nhau có hiệu quả tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc.
Nguồn: TTXVN