Cây thuốc lá được tìm thấy ở châu Mỹ và thổ dân ở đây đã hút thuốc lá từ hàng nghìn năm trước đó. Khoảng năm 1496 -1498, Roman Pano (nhà truyền đạo Tây Ban Nha) đã đem cây thuốc lá về trồng ở châu Âu. Năm 1561, Jean Nicot (Đại sứ Pháp ở Lisbone) đã giới thiệu bột thuốc lá với bà hoàng Catherine de Medici, người bị chứng đau nửa đầu. Bột thuốc lá gây ra hắt hơi, cơn đau của bà hoàng dịu đi. Điều đó làm giới quý tộc Pháp chú ý và khởi đầu cho việc dùng thuốc lá như một cách sống hợp thời trang thú vị trong giới quý tộc. Việc hút thuốc lá lan nhanh sang các nước châu Âu. Rồi cây thuốc lá theo chân các đế quốc đem trồng ở các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, trong đó có Việt Nam. Hút thuốc lá lúc đầu chỉ là hành vi bắt chước theo thời thượng, cho là hút thử chơi nhưng rồi bị nghiện dần lúc nào không biết và chỉ khi thấy thiếu thuốc lá không chịu được là biết mình nghiện thuốc lá.
Đến nay, khoa học đã chứng minh thuốc lá không đem lại lợi ích gì cho sức khỏe người hút mà chỉ làm hại họ và những người chung quanh. Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về ung thư trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã xếp khói thuốc lá vào các chất gây ung thư bậc 1. Thuốc lá còn gây tốn tiền kinh khủng, hàng năm Việt Nam đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá hút và tiền khám chữa các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Khói thuốc, tàn thuốc còn làm ô nhiễm môi trường và gây nguy cơ cháy nổ cao.
Nhiều người cho rằng họ hút thuốc lá vì các lý do như giảm stress, điều chỉnh cân nặng, do thói quen giao tiếp. Khi không có thuốc lá làm cho họ mất ngủ, trầm cảm, cáu gắt, bứt rứt lo âu, giảm tập trung... Nhưng mọi người đều có quyền sống trong môi trường không khói thuốc lá, không một lý do nào đủ sức thuyết phục để dung túng cho hành động hút thuốc lá bất chấp tác hại của nó đối với bản thân và người xung quanh. Vì vậy, hãy bỏ thuốc và động viên mọi người cùng bỏ thuốc là một việc làm có ích cho xã hội.
TTTTGDSK