Ăn lành, sống khỏe, bài 1:

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

12/04/2021 - 06:36

BDK - Câu chuyện ăn sao cho lành, sống sao cho khỏe dường như chưa bao giờ là cũ với tất cả mọi người. Ai cũng mong muốn sức khỏe tốt để học tập, lao động. Tuy nhiên, với những thói quen cũng như xu hướng ăn nhanh, uống vội đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thậm chí giết dần mòn sức khỏe mà chúng ta không hề hay biết.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại chợ Ngã Năm, TP. Bến Tre. Ảnh: Phan Hân

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại chợ Ngã Năm, TP. Bến Tre. Ảnh: Phan Hân

Không rõ nguồn gốc

Tại Phòng khám Nhi đồng thành phố (xã Sơn Đông, TP. Bến Tre) vào dịp cuối tuần, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến cháu bé chừng 3 - 4 tuổi nhăn nhó kêu đau bụng. Người mẹ trẻ hớt hãi xin được ưu tiên thăm khám trước. Cháu bé con chị C.N (Phường 6, TP. Bến Tre) bị đau bụng không biết lý do.

Trao đổi với bác sĩ, chị C.N cho hay: Buổi chiều tan trường, bé có ăn 1 đùi gà rán được mua tại cửa hàng gần nhà. Đến chập tối, bé kêu đau bụng. Gia đình đã xử lý cho uống men tiêu hóa và thoa dầu bé đỡ dần. Qua ngày hôm sau, mỗi khi ăn gì vào bé đều than đau bụng. Người bé đờ đi nên chị C.N đưa bé đến khám.

Trong cuộc trao đổi, bác sĩ hỏi chị C.N “Biết nguồn gốc của gà rán không?”. Trong khi chị ấp úng, bác sĩ nói tiếp “Cho con mình ăn gì phải biết nguồn gốc, ăn đồ ăn không đảm bảo. Nếu nhẹ thì tiêu chảy, nôn ói thôi, còn nặng nguy hiểm tính mạng thì bác sĩ cũng chịu thua”. Kết quả bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hóa, cần dùng thuốc trong 3 ngày và hẹn tái khám.

Trường hợp chị C.N không phải điển hình nhưng phần nào phản ánh sự tùy tiện trong việc ăn uống của nhiều người. Đặc biệt, trẻ nhỏ khi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện không đủ sức đề kháng, các tác nhân xấu nguy hại sức khỏe. Mới đây, chị A.N (xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) phải nhập viện cấp cứu khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo. Theo chia sẻ, chị A.N là người có sở thích ăn các loại mắm tép, mắm chưng… Sau khi ăn mắm tép bị nhiễm khuẩn, chị đã bị đau bụng dữ dội kèm trạng thái mệt, khó thở phải nhập viện. Sau 2 ngày điều trị, chị mới dần thuyên giảm.

Chị A.N cho biết, mắm tép chị mua ngoài chợ, có thể do người bán đã không xử lý sạch sẽ và đã bị nhiễm khuẩn trong quá trình làm và thời gian để bán lâu. Theo tư vấn của bác sĩ, các loại thực phẩm nếu không xử lý, bảo quản tốt thì khi ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Trong đó, có thể kể đến như: thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, thức ăn bày bán bị bẩn, các loại mắm không được xử lý tốt, tiết canh…

Tác nhân gây ô nhiễm

Theo tài liệu tập huấn an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế có nhiều tác nhân gây ô nhiễm thực phẩm, như: tác nhân sinh học, hóa học, vật lý… Trong đó ô nhiễm do vi khuẩn là mối nguy hay gặp nhất trong các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, có 50 - 60% các vụ ngộ độc trong cả nước là do vi khuẩn gây ra.

Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi, đặc biệt phân, nước thải, rác, bụi, thực phẩm tươi sống là ổ chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Ngay ở cơ thể người cũng có rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, chúng cư trú ở da, bàn tay, ở miệng, đường hô hấp, đường tiêu hóa, bộ phận sinh dục, tiết niệu... Phần lớn vi khuẩn có thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ từ 10 - 6000C và bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi (1.0000C). Nhiệt độ từ 25 - 450C rất thuận lợi cho hầu hết các vi khuẩn trong thực phẩm phát triển gây nguy hiểm. Vì vậy, thức ăn đã nấu chín, nên ăn ngay, không được để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Ở nhiệt độ lạnh (dưới 300C) hầu như vi khuẩn không sinh sản, nếu có thì rất chậm. Tuy nhiên, có một số vi khuẩn có thể nhân lên ở nhiệt độ 3 - 100C. Trong điều kiện đóng băng, hầu hết vi khuẩn không sinh sản được.

Bên cạnh đó, mối nguy hại do vi-rút còn nhỏ hơn vi khuẩn nhiều lần, phải dùng kính hiển vi điện tử phóng đại hàng vạn lần mới nhìn thấy chúng. Dạng nguy hại này gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường có trong ruột người. Các loại nhuyễn thể sống ở vùng nước bị ô nhiễm, rau quả tưới nước có phân hoặc các món ăn sống chuẩn bị trong điều kiện thiếu vệ sinh thường hay bị lây nhiễm vi-rút bại liệt, vi-rút viêm gan.

Trong sản xuất, chế biến thực phẩm có thể xảy ra ô nhiễm hóa học. Các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp, như: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, chất tăng trọng, kích thích tăng trưởng... Hay chất phụ gia thực phẩm, như: chất tạo màu, tạo ngọt, hương liệu, chất ổn định, chất chống oxy hóa, chất tẩy rửa... sử dụng không đúng quy định, ngoài danh mục cho phép hoặc sử dụng không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Các mảnh kim loại, thủy tinh, mảnh gỗ, đất sỏi, xương, lông tóc... được xếp vào mối nguy vật lý. Nếu các vật này bị lẫn vào thực phẩm thì có thể làm nguy hại đến sức khỏe con người như làm gãy răng, hóc xương, làm tổn thương niêm mạc miệng, dạ dày, ruột…

Ngoài ra, các chất độc tự nhiên có trong thực phẩm, như: mầm khoai tây, sắn, măng, nấm độc, cá nóc, cóc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (sò, vẹm, nghêu vỏ cứng), nấm mốc sinh độc tố trong bắp, đậu phộng, đậu, cùi dừa bị mốc. Ngộ độc do chất độc tự nhiên thường rất cấp tính, rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao (như ngộ độc măng, nấm độc, cá nóc, cóc); hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Bác sĩ Dương Ngọc Loan Thy - Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bất kỳ mối nguy hại nào dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Để có sức khỏe tốt cần có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, kết hợp với vận động. Đặc biệt, hạn chế ăn các loại thức ăn đóng gói, chế biến sẵn bày bán không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, áp dụng 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm.

10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, gồm: chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín. Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín. Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm.

Ph. Hân - A. Nguyệt - T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN