|
(Ảnh minh họa: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Chính trị, toàn văn dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Báo cáo chính trị trình Đại hội XII; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đã được công bố rộng rãi để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nội dung và đóng góp ý kiến. Thời gian lấy lý kiến từ ngày 15-9 đến ngày 31-10.
Ngày 15-9,
các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đăng tải toàn văn dự thảo văn
kiện Đại hội XII của Đảng. Việc Trung ương Đảng lấy ý kiến nhân dân đóng góp
vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng được cán bộ, đảng viên và nhân dân
đánh giá cao.
Nhiều ý
kiến cho rằng việc công bố rộng rãi dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng để lấy
ý kiến nhân dân đã phát huy tinh thần dân chủ, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị
sôi nổi, tạo điều kiện cho nhân dân nói lên tiếng nói của mình, đóng góp cho đường
lối phát triển đất nước.
Nhiều ý
kiến bày tỏ rất tâm đắc với việc Đảng đưa các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XII để toàn dân góp ý; cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn,
chứng tỏ rằng Đảng luôn luôn lấy dân làm gốc và thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí
Minh, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Trí tuệ của
Đảng là kết tinh trí tuệ của toàn dân, việc Đảng đưa dự thảo văn kiện Đại hội
XII của Đảng ra công khai để toàn dân nghiên cứu, tham gia ý kiến, thật sự là một
việc làm đầy tính nhân văn và khẳng định Đảng thật sự vì dân... Cán bộ, đảng
viên và các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng, tích cực tham
gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện...
Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XII có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị của đất
nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết
sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn,
tiếp tục đưa đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Các nhà
khoa học lý luận đã phân tích sâu sắc, làm rõ hơn những điểm mới trong dự thảo
các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là về đánh giá
kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, mục tiêu tổng
quát, động lực phát triển đất nước 5 năm tới, đổi mới mô hình tăng trưởng và
hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
văn hóa-xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính
trị.
Các cơ
quan báo chí Trung ương và địa phương đã khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch
lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng; mở các
chuyên mục, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức trẻ, các
tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện các dự thảo văn
kiện.
Nhiều hội
nghị, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức để tạo điều kiện cho đại diện các giới,
các tầng lớp nhân dân chia sẻ suy nghĩ, đóng góp trí tuệ của mình vào các dự thảo
văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đó là hội nghị phát huy vai trò người có uy tín,
tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội
XII của Đảng, nội dung đổi mới công tác dân tộc của Mặt trận, với sự tham gia của
các đại biểu đại diện người có uy tín của 11 dân tộc thuộc 7 tỉnh miền núi,
trung du phía Bắc: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa
Bình, Bắc Giang.
Đó là các
cuộc tọa đàm về chủ đề: “Khát vọng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm
2045"; “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước,
tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây
dựng đất nước”; “Phát huy dân chủ trong thời kỳ internet; giám sát và phản biện
xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng.”
Các ý kiến
nhấn mạnh Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ
vai trò của đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc là phải lấy mục tiêu xây
dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ vì dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với đẩy mạnh toàn diện, đồng
bộ công cuộc đổi mới đất nước, Đảng cần tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực
dân tộc; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống; hoàn thiện chính sách cho đồng bào
các dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...
Trong bối
cảnh hội nhập hiện nay, cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam;
cần coi việc xây dựng con người là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng
tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đó, tiếp
tục xây dựng chiến lược phát triển con người toàn diện cả về thể chất và tinh
thần, hướng tới chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ
và khoa học…
Đảng cần
lãnh đạo tổ chức tốt việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng đạo đức cách mạng, lối sống
văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam; tăng cường bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hiểu đúng,
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hành động cách mạng; nâng cao nhận thức
về tầm quan trọng của văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó nuôi dưỡng tinh
thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất
nước.
Chủ tịch Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết những ý kiến
tâm huyết của các đại biểu tại các cuộc tọa đàm sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, tiếp thu gửi tới Bộ Chính trị, Văn phòng Trung
ương Đảng, Ban soạn thảo Văn kiện, nhằm góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội
lần thứ XII của Đảng.
Góp ý dự
thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là cơ hội để thế hệ trẻ phát
huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của mình, tham gia vào việc hoạch định chính
sách, chiến lược của Đảng, Nhà nước. Nhiều nội dung quan trọng được đề cập
trong dự thảo văn kiện đã được đoàn viên, thanh niên tham gia góp ý kiến tại
các diễn đàn do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,
Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức như định hướng và chiến lược phát triển
kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh và khởi nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế;
cải cách thể chế; nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước; giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chính sách đối với nhân tài
trẻ phát triển đất nước; chính sách bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc; các
vấn đề về đối ngoại và hội nhập quốc tế, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống
nhằm nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ trong xây dựng đất
nước...
Nhiều ý
kiến nhấn mạnh, cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức trong thế hệ trẻ, đạo
đức phải phát triển ngang tầm với phát triển kinh tế, có như vậy đất nước mới
có thể phát triển vững bền.
Tâm huyết
và trách nhiệm, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã có những bài viết tham
gia đóng góp ý kiến, phân tích sâu sắc, đề xuất bổ sung các giải pháp thực hiện
các định hướng lớn nêu trong văn kiện, như về đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển
các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phương hướng, nhiệm vụ phát
triển đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường; đổi mới, tạo chuyển
biến căn bản, mạnh mẽ về giáo dục, đào tạo; phát triển và ứng dụng khoa học
công nghệ; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường
văn hóa; quản lý phát triển xã hội; các chính sách bảo đảm tiến bộ và công bằng
xã hội; quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai; chính
sách đối ngoại và hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc;
phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa; quốc phòng an ninh; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa,
xã hội với quốc phòng an ninh; xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và
nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Cũng
trong thời gian này, các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan đơn vị trên cả nước đã
tổ chức hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, với
sự tham gia của đại diện các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa
bàn, trong không khí dân chủ, thể hiện tinh thần xây dựng, trách nhiệm đối với
Đảng, góp phần để Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, giải
pháp khoa học, hiệu quả trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh,
bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ban Chấp
hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã có hơn 14.300 ý kiến góp ý của
cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện
trình Đại hội XII của Đảng.
Qua các hội
nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức, hầu hết ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần
trách nhiệm cao, tâm huyết, xây dựng và mong muốn Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII của Đảng sẽ đánh giá sát, đúng những thành tựu, hạn chế, yếu kém, làm
rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để làm cơ sở quyết định đúng đắn phương
hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đợt lấy ý
kiến nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội đã động viên, tập hợp
trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng
lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp xây dựng, hoàn
thiện văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Qua đó, tạo
sự thống nhất về nhận thức, hành động, đưa Nghị quyết và các văn kiện Đại hội
XII của Đảng vào cuộc sống. Nhân dân cả nước kỳ vọng vào Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XII sẽ là một Đại hội thành công, với nhiều dấu ấn sâu sắc./.