|
Đó là nhận định trong cuộc họp giao ban định kỳ giữa Bộ KH-ĐT và các bộ ngành về tình hình sản xuất ngày 25/3. Những khó khăn của các ngành nghề sản xuất và 2 quý cuối nẵm được dự báo sẽ được cải thiện.
Theo các nhận định của các chuyên gia việc thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư và đẩy mạnh thanh toán các khoản ứng vốn mặc dù được triển khai chưa lâu, song đã giúp việc giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung đạt khá.
Tình trạng xuất siêu do nhập khẩu giảm ở hầu hết các mặt hàng nguyên liệu sản xuất (chứ không phải do sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng mạnh) cũng được cảnh báo là đáng lo ngại. Đại diện Bộ Công thương cho biết, dự kiến trong quý 2, xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn; đến quý 3, quý 4 mới có khả năng “ấm” lên và tính chung cả năm tổng giá trị kim ngạch XK giảm khoảng 7% so với năm 2008.
Theo đánh giá, các địa phương đều thực hiện giải ngân tăng 15%-20% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt Bà Rịa - Vũng Tàu tăng tới 79%. Hiệu quả của việc giải ngân tốt sẽ thể hiện rõ trong những tháng tới, giúp “đẩy” thêm tốc độ tăng trưởng GDP. Dù nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới có giảm, nhưng vẫn có nhiều dự án bổ sung vốn đầu tư, có thể coi là một “điểm sáng” trong toàn cảnh bức tranh kinh tế - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Công thương, là sự “mạnh lên” của khối DN xuất khẩu “nội”. Không kể mặt hàng dầu thô, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng mạnh so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính chung quý 1, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 13,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó khối DN FDI chỉ đạt gần 4,5 tỷ USD; giảm 13%.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, với tốc độ tăng trưởng thương mại duy trì khá. Đại diện Bộ NN-PTNT cũng cho biết, lĩnh vực chăn nuôi vừa qua vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Đảm bảo có lãi cho nông dân.