Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp Duma quốc gia Nga ở Moskva, ngày 10-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng thông tấn Interfax đưa tin Tổng thống Putin ngày 14-3-2020 đã chính thức ký dự luật sửa đổi Hiến pháp, một ngày sau khi tất cả các cơ quan lập pháp địa phương tại Nga bỏ phiếu ủng hộ dự luật.
Hãng tin RIA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Luật Hiến pháp thuộc Thượng viện Nga Andrei Klishas ngày 13-3-2020 nêu rõ: “Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã nhận được kết quả bỏ phiếu của tất cả 85 cơ quan lập pháp khu vực. Kết quả đều tích cực”.
Theo AFP, trên trang web chính thức, Điện Kremlin đã công bố dự luật dài 68 trang này. Việc Tổng thống Putin ký dự luật đánh dấu bước quan trọng trong một quá trình thủ tục đặc biệt trước khi các sửa đổi Hiến pháp này có hiệu lực.
Trước đó, ngày 11-3-2020, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua lần thứ ba và cũng là lần cuối dự luật sửa đổi Hiến pháp có tên “Cải thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền”, căn cứ vào đó sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga.
Thông tin trên trang web của Duma Quốc gia nêu rõ dự luật này nhận được sự ủng hộ của 383 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu và không nghị sĩ nào bỏ phiếu chống. 43 nghị sĩ đã bỏ phiếu trắng. Trước đó, dự luật trên cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao trong cả 2 lần thông qua.
Cùng ngày, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật. Dự luật “Cải thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền” đã nhận được sự ủng hộ của 160 thượng nghị sĩ, 1 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Theo nguồn tin trên, dự luật sửa đổi Hiến pháp bao gồm các nội dung tăng quyền lực của quốc hội, qui định liên quan tới nhiệm kỳ của tổng thống, chuyển một số quyền lực từ tổng thống sang Duma Quốc gia (Hạ viện), nghiêm cấm việc quan chức Nga nhập quốc tịch nước ngoài, điều chỉnh mức lương tối thiểu, củng cố các điều khoản liên quan tới quyền tự do, quyền công dân và quyền con người. Sửa đổi cũng sẽ ưu tiên hóa Hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế, vị thế của tiếng Nga và một số nội dung khác...
TASS cho hay phần đầu của Dự luật sửa đổi Hiến pháp có liên quan tới sáu chương, từ Chương 3-8. Trong khi đó, Lời tựa của bản Hiến pháp hiện nay, cùng các Chương 1-2-9 sẽ được giữ nguyên.
Một trong những nội dung được quan tâm trong dự luật sửa đổi Hiến pháp là điều khoản liên quan tới nhiệm kỳ của Tổng thống Liên bang Nga. Cụ thể, một khi sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực, quy định một người không thể giữ chức vụ Tổng thống Nga quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp vẫn sẽ được áp dụng, song không tính đến số nhiệm kỳ người này đảm nhận trước đó.
Như vậy, sau khi sửa đổi Hiến pháp được áp dụng, tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin và các cựu nguyên thủ quốc gia Nga có thể tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới, bất kể số nhiệm kỳ mà những chính khách này từng đảm nhận trước đó. Ông Putin hoàn toàn có thể tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024.
Phát biểu trước các nghị sĩ ngày 10-3-2020, Tổng thống Putin nhấn mạnh các sửa đổi Hiến pháp cần được Tòa án Hiến pháp phán quyết và tiếng nói cuối cùng sẽ do cử tri Nga quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 22-4-2020 tới.
Ông Putin lần đầu tiên nắm quyền Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 31-12-1999 sau khi Tổng thống đầu tiên của nước này, Boris Yeltsin, bất ngờ tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho ông Putin - khi đó giữ cương vị Thủ tướng Nga. Ba tháng sau, ông Putin đắc cử tổng thống lần đầu tiên. Ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004.
Do Hiến pháp Nga hiện nay không cho phép một vị tổng thống tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin không thể ra tranh cử Tổng thống năm 2008. Tại cuộc bầu cử năm 2008, ông Dmitry Medvedev đắc cử Tổng thống và bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng. Ông Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 3/2012 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 (nhiệm kỳ tổng thống Nga lúc này đã được kéo dài thành 6 năm). Chiến thắng trong cuộc đua tranh cử tổng thống vào năm 2018 đã giúp ông Putin nắm quyền thêm 6 năm nữa (tới năm 2024).
TTXVN