Tổng thống Putin (trái) và Thủ tướng Merkel. (Ảnh: AFP)
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, trước thềm chuyến thăm Berlin, ngày 17-8-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp và thảo luận với các thành viên thường trực Hội đồng An ninh Liên bang Nga về các vấn đề của cuộc hội đàm sẽ diễn ra trong ngày 18-8-2018 với Thủ tướng Đức Merkel, cũng như các vấn đề nóng của tình hình kinh tế - xã hội Nga.
Trước đó, ông Peskov cho biết, ngày 18/8, Tổng thống Putin sẽ đến Berlin, hội đàm với Thủ Tướng Đức A.Merkel, và hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra tuyên bố cho báo chí.
Chủ đề của cuộc hội đàm là hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng như tình hình Syria, Ukraine, các hạn chế mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt và hậu quả của những hạn chế này.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo sẽ đề cập mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” và những vấn đề khác, được coi là cần thiết.
Theo ý kiến của Phó giám đốc Viện châu Âu-Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladislav Belov, chủ đề của cuộc hội đàm sẽ rộng hơn, không chỉ là dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, mà cả những trừng phạt bên ngoài lãnh thổ của Mỹ.
Chuyên gia này cho rằng, những biện pháp hạn chế của Mỹ đụng chạm không chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt này, mà cả các lợi ích của các công ty Nga và Châu Âu trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran.
Các trừng phạt ảnh hưởng không chỉ đến “Dòng chảy phương Bắc 2” mà cả các lĩnh vực hợp tác khác của Nga với Đức. Bởi vậy, ông Belov cho rằng, dư luận có thể mong đợi một cuộc thảo luận tại hội nghị Thượng đỉnh ở Berlin về các hành động phối hợp chung. Một số công ty lớn, buộc phải rời Iran, đang tham gia vào “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Chuyên gia này cũng dự đoán rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào vấn đề hồi hương của những người tị nạn Syria. Ngoài ra, họ có thể thảo luận về triển vọng hợp tác Nga, Đức, Pháp và EU trong việc khôi phục cơ sở hạ tầng các vùng của Syria, mà bây giờ đang do chính phủ nước này kiểm soát cũng như về các dự án nhân đạo.
Theo ý kiến của ông Belov, sự bất đồng giữa Moscow và Berlin về tình hình ở Đông Ukraine vẫn như cũ, nhưng các bên đều tuân thủ hình thức “Bộ tứ Normandy” (bao gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine). Do vậy, hai nhà lãnh đạo có thể xem xét cả chủ đề về sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở vùng Donbass (Ukraine) và vai trò của tổ chức này để vượt qua khủng hoảng nội bộ Ukraine.
Nguồn: VOV