Trải nghiệm “Em làm người nông dân”

05/04/2021 - 06:42

BDK - Đây là chương trình do Bảo tàng Bến Tre vừa tổ chức vào những ngày đầu tháng 4-2021, trong khuôn viên bảo tàng. Hơn 100 học sinh (HS) Trường THCS Mỹ Hóa (TP. Bến Tre) được giới thiệu về quy trình trồng lúa, dụng cụ nghề nông và đặc biệt là được trải nghiệm thành nông dân làm lúa.

Các em học sinh trải nghiệm gặt lúa.

Các em học sinh trải nghiệm gặt lúa.

Là tỉnh thuần nông nên hình ảnh cây lúa, trồng lúa rất quen thuộc. Thế nhưng đối với nhiều em HS, nhất là các em ở thành thị ít có dịp về vùng nông thôn thì chưa biết hoặc biết rất ít về nghề trồng lúa. Sẵn có tiểu cảnh trồng lúa (lúa thật) trong khuôn viên bảo tàng (phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu), Bảo tàng tỉnh đã tổ chức chương trình “Em làm người nông dân”. Đây là hoạt động trải nghiệm giúp các em hiểu thêm về những dụng cụ, quy trình sản xuất lúa thủ công trước đây.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Thanh Lâm cho biết, hàng năm, Bảo tàng  tỉnh tổ chức nhiều chương trình giáo dục cho thế hệ trẻ và HS, sinh viên. Năm 2021 tổ chức chương trình “Em làm người nông dân” vì hiện nay, ngành sản xuất lúa gạo vẫn có vị trí quan trọng trên thế giới. Các em tham gia chương trình sẽ là một nhà nông, tham gia các công đoạn làm ra hạt lúa… Qua đây giáo dục các em biết trân quý công sức lao động của người nông dân.

Người hướng dẫn cho HS là ông Hồ Minh Hiệp (ngụ ấp Phú Tự, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) có nhiều kinh nghiệm về nghề nông, trong đó có trồng lúa. Ông miêu tả chi tiết các công đoạn làm lúa để HS nắm bắt. Theo ông Hiệp, quy trình làm lúa có rất nhiều công đoạn, trong đó có làm đất, sạ, cấy, chăm sóc, gặt lúa, bó lúa, đập lúa…

Để chương trình thêm phong phú, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày các dụng cụ làm lúa thủ công trước kia như: bồ đập lúa, thang bồ, lưỡi liềm gặt lúa (lưỡi hái), cạp đập, vòng hái, bồ cào lúa, sàn, nia, thúng, bao đựng lúa… Đặc biệt là tái dựng 2 ruộng lúa trồng thật (thu nhỏ) rất sinh động.

Các em học sinh được giới thiệu về các dụng cụ làm lúa.

Các em học sinh được giới thiệu về các dụng cụ làm lúa.

Sau khi được giới thiệu các dụng cụ phục vụ nghề lúa và quy trình làm lúa, các em HS đã lần lượt trải nghiệm công đoạn gặt lúa thật tại hai ruộng lúa tái hiện. Em Lê Trần Huy Tiến, HS lớp 6/4 Trường THCS Mỹ Hóa bày tỏ: “Tham gia chương trình này, em thực hành những kỹ thuật trồng lúa, cũng như hiểu được nỗi vất vả, cực khổ của người nông dân để làm ra những hạt gạo”.

Em Trần Lâm Yến Nhi, HS lớp 6/6 Trường THCS Mỹ Hóa chia sẻ: “Biết công đoạn trồng lúa, công sức của người nông dân, em tự nhủ phải trân quý từng hạt gạo, không được lãng phí và cố gắng không làm rơi rớt, vì mỗi hạt gạo làm ra là biết bao mồ hôi của người nông dân đã đổ xuống, như câu ca dao em từng đọc: Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Chương trình tạo không khí vui tươi, sinh động và mang lại nhiều ý nghĩa giáo dục cho các em HS về nông nghiệp quê hương, về sự trân trọng sức lao động vất vả của người nông dân và biết trân quý hạt gạo.

“Hướng tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục kết nối với các trường để tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm lao động như: trồng rau, trồng hoa, trồng cây… Kết hợp các giờ sinh hoạt ngoại khóa để tạo sân chơi vui tươi, bổ ích cho các em” - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Thanh Lâm cho biết.

Tại chương trình, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tặng mỗi em HS 1 phần quà là quyển sách ý nghĩa dành cho tuổi học trò; đồng thời, trao tặng một số sách cho Trường THCS Mỹ Hóa, TP. Bến Tre.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN