Tiết học thực hành của học viên Trường Trung cấp nghề Bến Tre.
“Tùy theo khả năng và nhu cầu, các em học sinh không đậu vào lớp 10 THPT công lập sẽ tiếp tục theo học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) hoặc các cơ sở đào tạo nghề”, ông Cao Minh Sơn - Trưởng phòng THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Xóa tâm lý bằng cấp
Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập tăng gần 1.500 chỉ tiêu so với năm học 2017-2018 nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế do số học sinh trên địa bàn tăng theo tốc độ tăng dân số cơ học. Theo chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, các trường THPT tuyển 11.677 học sinh trong tổng số 16.438 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi. Dự kiến có khoảng trên 4.000 học sinh không được vào học lớp 10 công lập.
Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS; tăng cường phối hợp với trung tâm GDNN - GDTX, cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn, tuyên truyền, định hướng cho các em học sinh chọn trường sao cho phù hợp với năng lực học tập của bản thân.
Ông Trần Văn Sơn - Phó hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (Châu Thành) cho biết, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trường còn chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể lồng ghép các buổi tư vấn hướng nghiệp, phân luồng trong các giờ sinh hoạt lớp, trong chương trình hướng nghiệp.
Sau các đợt kiểm tra đánh giá năng lực học tập, Trường THCS Tam Phước phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tổ chức họp phụ huynh với nội dung phân luồng để tư vấn, lựa chọn định hướng nghề nghiệp. Đối với các em có học lực yếu, hỏng kiến thức căn bản, không thể phụ đạo được, trường sẽ họp phụ huynh và học sinh để tư vấn phân luồng. Trong năm học 2017-2018, có 7 em học sinh do năng lực học tập đã tự nguyện xin hồ sơ đăng ký học nghề.
Theo ông Đặng Văn Diệu - giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục Trường THCS Tam Phước, khi tuyên truyền, tư vấn học sinh, trường định hướng các em nên tự đánh giá năng lực của bản thân. “Đối với các em có học lực yếu, trường khuyến khích các em chọn học nghề chứ không nên bằng mọi giá vào lớp 10 công lập. Khi trao đổi với phụ huynh, chúng tôi nhắc nhở gia đình đừng tạo nhiều áp lực bằng cấp, cần định hướng cho các em chọn trường sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và đặc biệt là phải phù hợp năng lực học tập của bản thân”, ông Đặng Văn Diệu cho hay.
Qua trao đổi, phần đông phụ huynh đều mong con cái rộng đường trong tương lai hơn với tấm bằng đại học, chỉ một số ít mong muốn con sớm có nghề để tham gia xuất khẩu lao động cải thiện kinh tế gia đình.
Nhiều cơ hội học tập
Thực tế, nếu học sinh không vào được các trường công lập vẫn còn rất nhiều hình thức học tập khác. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có các trung tâm GDNN - GDTX ở các huyện và 2 cơ sở đào tạo nghề nghiệp tại TP. Bến Tre: Trường Trung cấp nghề Bến Tre, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi.
Cơ hội học nghề cho học sinh rất nhiều, điều quan trọng nhất hiện nay là giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp trong tương lai theo đúng sở thích, đam mê và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình cũng như nhu cầu của xã hội. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bến Tre cho biết, hiện nay, việc liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, đại học rất thuận lợi nên sau khi học nghề, nếu các em có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục học lên bậc học cao hơn.
Để thu hút được các em tham gia học nghề, ông Đặng Văn Diệu cho hay, việc phân luồng học sinh sau THCS thật sự đạt hiệu quả khi có sự đồng bộ, quyết liệt từ ngành giáo dục, địa phương, gia đình, ý thức của bản thân người học và cán bộ phụ trách công tác phổ cập giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề quan tâm đầu tư các trang thiết bị phục vụ giảng dạy sao cho tương xứng và kịp thời đại; lựa chọn ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tạo cơ hội việc làm cho học sinh; quan tâm mở các ngành nghề dành cho học sinh nữ. Điều quan trọng là, các trường cần giúp phụ huynh, học sinh nhìn nhận đúng vị trí của GDNN, thấy được lợi ích của việc học nghề, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, các em vừa có công việc sớm và ổn định trong tương lai.
Bài, ảnh: Phan Hân