Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trao đổi với lãnh đạo tỉnh . Ảnh: Ngân Hà
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn trình bày 2 phương án: Phương án 1: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 ngay cạnh cầu Rạch Miễu hiện tại và phần đường dẫn 2 đầu cầu vuốt về QL.60 hiện tại. Phương án 2: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cách cầu hiện tại 3,8km về phía thượng lưu và phần đường dẫn phía Bắc đi theo Tỉnh lộ 870 hiện tại đến vị trí giao cắt giữa Tỉnh lộ 870 với QL.1A; phía Nam tuyến đi song song, cách QL.60 khoảng 3,8km và kết nối vào đường dẫn đầu cầu Hàm Luông.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, chọn phương án 2 là tốt nhất. Bởi phương án này sẽ phân theo hai trục giao thông khác nhau, tránh được dòng lưu lượng phương tiện đổ về Tiền Giang, đáp ứng được nhu cầu giải quyết ùn tắc giao thông về lâu dài trên tuyến QL.60. Chủ tịch UBND Cao Văn Trọng hy vọng nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ để dự án có thể triển khai thực hiện vào năm 2019.
“Kể từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, lưu lượng phương tiện lưu thông trên QL.60 và QL.57 tăng đột biến. Tại cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Việc xây cầu Rạch Miễu 2 để kết nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe kéo dài, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, thuận lợi giao thương hàng hóa” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng thông tin.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Ngân Hà