Cách mạng tháng Tám năm 1945 được ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước dân chủ ở nước ta là một bước nhảy vọt, có ý nghĩa to lớn không chỉ cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta mà cho cả phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới.
Cách mạng tháng Tám - sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Từ Cách mạng tháng Tám, với Nhà nước kiểu mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, quật cường, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đã lập nên những chiến công vĩ đại trong thế kỷ XX: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy, chấn động địa cầu, đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 dẫn đến việc ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là thành quả, là tài sản to lớn và vô giá của nhân dân ta. Từ ngày thành lập cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đã tập hợp, đoàn kết nhân dân, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chiến đấu dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 66 năm qua.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), và “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020”, Đảng ta khẳng định, “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Quán triệt những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Báo cáo Chính trị Đại hội XI đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trước hết là đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thật sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, kỷ luật, kỷ cương. Chăm lo, phục vụ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và cơ chế vận hành, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đảm bảo Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm bớt thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân; xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công bằng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức cả bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Coi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên vi phạm ra khỏi bộ máy Nhà nước dù ở bất cứ cương vị nào.
Năm 2011, là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta triển khai, quán triệt, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, với mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Thực hiện mục tiêu trên, chúng ta có những thời cơ và thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống Cách mạng tháng Tám, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.