Đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh chụp từ màn hình
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 28-5-2018, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Trần Văn Minh (Quảng Ninh); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa); Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Võ Đình Tín (Đắk Nông), Mai Hồng Hải (Hải Phòng); Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Bế Minh Đức (Cao Bằng), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh),... bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Đoàn giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Ảnh: ĐT
Các đại biểu Quốc hội khẳng định công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Qua đó các đại biểu đề xuất nhiều nội dung để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhằm thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, như: Kiện toàn hệ thống quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, cổ phần doanh nghiệp nhà nước (xây dựng Luật cổ phần hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,...); kiện toàn mô hình hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất trước, trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; định giá đúng tài sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa; đảm bảo công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của nhà nước; di dời các doanh nghiệp trong nội thị ra các khu công nghiệp; định giá đúng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp (DN) khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, cổ đông, người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN...
Tránh tình trạng “một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào”
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát đã khái quát kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế của tình hình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp cũng như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Để lĩnh vực trên hiệu quả hơn, đại biểu Hàm đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội sửa Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; tính toán nguồn vốn bổ sung cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nguồn vốn từ việc cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp; cần đảm bảo chủ trương doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng. Đồng thời ông cũng đề nghị Chính phủ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), không để công ty này đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt và nhà nước đang thoái vốn.
"Cân nhắc không nên để tình trạng cùng là doanh nghiệp nhà nước nhưng một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào", đại biểu Hàm nêu quan điểm.
Đại biểu tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị, cần rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của tập đoàn, tổng công ty; không chỉ có 12 dự án của ngành Công Thương hay Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để mất vốn do thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chi phí lãi vay.
Về quản lý đất đai, thất thoát đất đai khi cổ phần hóa, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, vấn đề này đã được khắc phục một bước khi ban hành Nghị định 126 của Chính phủ. Theo đó, DN thuộc diện cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đang quản lý sử dụng để lập và hoàn thiện phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm cổ phần hóa.
Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát các bộ, ngành địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau cổ phần hóa. Không để xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra doanh nghiệp sau cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định như kinh doanh bất động sản, làm nhà ở, chung cư thương mại kiếm lời gây thất thoát tài sản nhà nước.
Báo cáo về đầu tư vốn ra nước ngoài còn đơn giản
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nghiêm trọng hơn, thời gian qua đã xảy ra những vi phạm trong lĩnh vực này dẫn đến những hậu quả nặng nề khó khắc phục. Một số vụ việc đã phải gửi qua cơ quan điều tra, xử lý hình sự. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DNNN.
Do đó, muốn khắc phục các bất cập này, theo đại biểu trong từng DNNN cần tạo lập 3 vòng kiểm soát theo thông lệ quốc tế. Một là, phát hiện và quản lý rủi ro trong hoạt động hàng ngày thông qua kiểm soát nội bộ. Hai là, theo dõi, giám sát rủi ro trong toàn bộ doanh nghiệp thông qua hệ thống quản trị rủi ro. Ba là, kiểm toán nội bộ để bảo vệ tài sản, vốn của nhà nước, kinh tế của nhà nước.
Về vấn đề DNNN đầu tư ra nước ngoài, dẫn báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, tính đến tháng 12-2016 có 18 tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với hơn 7 tỷ USD; chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản. Trong đó, hơn 25% dự án báo lỗ, gần 30% lỗ lũy kế, 46% dự án không có báo cáo doanh thu lợi nhuận.
Cho rằng, nội dung này của báo cáo còn tương đối đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ, dự án thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ và lãi, hạn chế vướng mắc, nguyên nhân của việc lỗ. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng.
Trong đó, cũng cần chú ý đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời vướng mắc cho DN, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số dự án quan trọng mang tính chiến lược...
Về cổ phần hóa DN, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất cho các DN cổ phần hóa là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua.
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN.
Trong thực tế cho thấy, một số DN có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá trị giá đúng giá cao hơn nhiều với giá khởi điểm.
Theo đại biểu, hai thông số quan trọng trong việc xác định giá đất là tỷ lệ phần trăm và giá đất cụ thể đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị, lợi thế quyền thuê đất của DN cổ phần.
Do đó, đại biểu kiến nghị, để bảo đảm lợi ích nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của DN cần xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị quyền thuê đất và giá trị DNNN khi cổ phần hóa.
Nghiên cứu áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến
Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), việc quản lý đất đai trước và sau quá trình cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót, thể hiện qua không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN cổ phần hóa.
Việc xác định quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa với những vị trí đắc địa bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng vốn, tài sản của Nhà nước. Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu của nhiều DN trái ngành, thâu tóm DN khi cổ phần hóa vì thế không loại trừ việc họ lợi dụng cơ hội từ mảnh đất vàng đang được DN nắm giữ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước, giá trị DN được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Giá cổ phần được xác định theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá công khai, minh bạch. Việc định giá DN cần tiến hành độc lập bởi các đơn vị trong và ngoài nước. Việc định giá giá trị DN cần được kiểm soát chéo giữa các cơ quan, bảo đảm khách quan, minh bạch. Cần quy định chế tài cụ thể với trường hợp tổ chức có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật; nghiêm cấm việc xác định giá trị DN không chính xác, có dấu hiệu trục lợi.
Định giá doanh nghiệp là "vấn đề trừu tượng và khó"
Tranh luận với ý kiến của một số đại biểu đăng đàn trước mình, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng, việc định giá doanh nghiệp Nhà nước không thể "chính xác 100%, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường".
"Đây là vấn đề trừu tượng và khó, ngay cả thuê tư vấn nước ngoài cũng không thể đưa ra được dữ liệu sát thực thị trường nhất", ông nói và nhấn mạnh, giá xác định đem ra đấu giá chỉ nên để tham khảo, là giá sàn khi đấu giá.
Theo ông Dũng, mất vốn Nhà nước nằm ở khâu tổ chức đấu giá chứ không phải xác định giá trị doanh nghiệp, do vậy đại biểu này đề nghị phải xây dựng lại quy trình đấu giá cổ phần doanh nghiệp khi đưa lên sàn.
Quản lý chặt quỹ đất khi cổ phần hóa DNNN
Cũng trong phiên thảo luận sáng 28-5-2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến định giá đất, quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, trước đây do hạn chế trong các quy định của pháp luật về đất đai, nên trong quá trình tiến hành rà soát quỹ đất, sử dụng đất để cổ phần hóa DNNN chưa có sự đánh giá về giá trị đất đai, dẫn đến khi tính toán giá trị doanh nghiệp, không tính toán được giá trị đất để tiến hành cổ phần hóa...
Để khắc phục hạn chế trên, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, qua đó việc quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện chặt chẽ hơn, trong đó, quy định cụ thể phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN trước khi cổ phần hóa; việc xác định giá đất khi cổ phần hóa phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương, công bố công khai, minh bạch;...
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cùng các cơ quan hữu trách cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án cổ phần hóa, nếu phát hiện vấn đề thiếu minh bạch, không phù hợp sẽ có biện pháp xử lý; có giải pháp giải quyết vấn đề đất đai nông, lâm trường;...
Phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số vấn đề liên quan đến việc quản lý phần vốn của nhà nước đối với một số doanh nghiệp thuộc chức năng quản lý của Bộ.
Theo Bộ trưởng, trong quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp; dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", chất lượng đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ, thất thoát vốn, lãng phí, thậm chí sai phạm...
Bày tỏ đồng tình với nội dung các giải pháp nêu ra trong báo cáo giám sát, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cần làm rõ các nguyên tắc cơ bản để khai thác, sử dụng tốt nguồn vốn đang đầu tư hiệu quả; phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp; nội luật hóa các cam kết quốc tế;...
Nguồn ĐCSVN