|
Thầy cô và học sinh Trường THCS Mỹ Hóa cùng nhau thực hiện các tiết mục hát, múa đặc sắc mang đậm dấu ấn Ngàn năm sử Việt. Ảnh: Q.H |
Đó là thông điệp mà Ban Giám hiệu Trường THCS Mỹ Hóa (TP Bến Tre) muốn chuyển tải đến các em học sinh, nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về các nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc; đồng thời qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thông qua các phần thi: Dấu ấn lịch sử, Nhân vật và Sự kiện lịch sử, các em học sinh có cơ hội cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ những kiến thức về vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”. Thăng Long, với chữ “Thăng” ở bộ Nhật, được ghi trong Đại Việt sử ký, không chỉ là “Rồng bay lên”, mà còn có nghĩa “Rồng (bay) trong ánh Mặt trời lên cao”. Đây là một tên gọi hoàn toàn do người Việt sáng tạo. Thăng Long - Hà Nội là Kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này trước khi trở thành Kinh đô của nước Đại Việt dưới triều Lý (1010) đã là đất đặt cơ sở trấn trị của quan lại thời kỳ nhà Tùy (581-618), Đường (618-907) của phong kiến phương Bắc.
Trải qua các triều đại, mang các tên khác nhau: Đông Đô, Đông Kinh, Thăng Long vẫn là kinh đô nước Đại Việt chứng kiến sự thăng trầm của nhiều thời đại Lý, Trần, Hồ, Lê và vẫn luôn là một mảnh đất đô hội, là nơi tụ hội của nhân tài cả nước. Ngay cả khi Thăng Long không còn là kinh đô của nước Đại Nam thời Nguyễn (phải cải chữ “Long” từ nghĩa là “Rồng” thành “Thịnh” vì không còn là đế đô nữa), thành quách bị thu nhỏ, cung điện xây ở Huế, thì cố đô Thăng Long, kể từ đời Minh Mạng (1831) thành Hà Nội vẫn là một vùng đất không đâu sánh bằng.
Khi nói đến Thăng Long chúng ta không thể không nhắc đến Lý Công Uẩn. Ông đã sáng suốt đặt Thủ đô mới trên mảnh đất xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của cả nước. Ông đã tạo điều kiện cho vương triều Lý xây dựng nền tảng cho nền văn minh Đại Việt, để cho Thăng Long - Hà Nội suốt một ngàn năm tiêu biểu cho những giá trị vững bền của cả dân tộc. Những đặc điểm nhân cách ấy của Lý Công Uẩn đã thể hiện qua rất nhiều công việc lớn lao để xây dựng thủ đô mới, mở đường cho việc hình thành nền văn hiến ngàn năm Thăng Long với những con người Việt Nam không chỉ có chí khí anh hùng mà còn mang những tình cảm bao la, đối với cộng đồng dân tộc và với cả cộng đồng nhân loại…
Trong không khí phấn khởi của cuộc thi, em Phạm Tùng Sang, học sinh lớp 9/6 Trường THCS Mỹ Hóa hào hứng: “Thông qua cuộc thi, em có thể hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, nhất là sự kiện Thăng Long 1000 năm văn hiến, từ đó mình càng tự hào hơn về bề dày lịch sử cũng như các vị anh hùng tài hoa của đất nước mình…” Không chỉ riêng ý kiến của em Tùng Sang mà hầu hết các em học sinh đến với hoạt động ngoại khóa này đều mong muốn có thêm nhiều diễn đàn giao lưu như trong thời gian tới, để vừa học tập vừa vui chơi, giúp các em nhớ các sự kiện lịch sử một cách sâu sắc hơn.
Chương trình “Ngàn năm sử Việt” tuy có ngắn ngủi nhưng nó đã để lại trong lòng chúng ta một ấn tượng khó phai, nó nhắc nhớ và khơi dậy lòng tự hào của mỗi con người Việt Nam, nhất là đối với các em học sinh. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hóa - Võ Thị Hồng Tươi cho rằng: Đây là hoạt động nhằm trang bị cho các em học sinh những kiến thức lịch sử, giáo dục các em về truyền thống 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, quá trình giữ nước và chống giặc ngoại xâm của cha ông. Đồng thời, giúp các em học sinh hiểu biết và tự hào hơn nữa về lịch sử Việt Nam, nền văn hóa Thăng Long với các công trình kiến trúc đặc sắc của dân tộc.