BDK.VN - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và phát sinh chất thải ngày càng nhiều. Trên địa bàn tỉnh chưa có DN đầu tư về lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) công nghiệp cũng như rác thải nguy hại. Vì vậy, các DN phải hợp đồng với các đơn vị chức năng ngoài tỉnh để xử lý. Vấn đề căn cơ đặt ra là cần phải có kế hoạch ứng phó sự cố chất thải (SCCT).
Triển khai khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: Trần Quốc.
Đến nay, tỉnh có 2 KCN đi vào hoạt động, gồm: KCN Giao Long, diện tích 164,34ha (gồm KCN Giao Long I, KCN Giao Long II) và KCN An Hiệp, với diện tích 72ha. 4 cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động (gồm: CCN - TTCN Phong Nẫm, CCN Thị trấn - An Đức, CCN Long Phước và CCN Tân Thành Bình).
Tỉnh đã công nhận 57 làng nghề. Trong đó, có 39 làng nghề lĩnh vực nông nghiệp và 18 làng nghề lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Hơn 5.151 DN trong và ngoài KCN, CCN đang hoạt động.
Hoạt động công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động của các địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, kèm theo đó là phát sinh nhiều chất thải ra môi trường (khí thải, nước thải, CTR thông thường và chất thải nguy hại,…). Từ đó, gây áp lực lớn đến môi trường và sức khoẻ con người.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở Y tế, đến nay trên địa bàn tỉnh có 6 bệnh viện công lập; 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 1 bệnh viện tư nhân, 8 phòng khám đa khoa khu vực, 157 trạm y tế tuyến xã và khoảng 937 cơ sở hành nghề y tư nhân các loại đang hoạt động.
Hoạt động y tế, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và kèm với đó là phát sinh các chất thải y tế ra môi trường. Chất thải phát sinh ra môi trường nhiều đồng nghĩa với việc tìm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro và sự cố về chất thải.
Bên cạnh đó, các loại chất thải phát sinh nếu không được quan tâm và xử lý đảm bảo sẽ gây ra những SCCT lên môi trường. Khi SCCT xảy ra, ít nhiều sẽ gây tác hại xấu đến chất lượng môi trường, kinh tế - xã hội, sức khỏe con người, hệ sinh thái,…
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan, năm 2022, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hơn 1.011 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý tại các bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác thải tập trung 419 tấn/ngày. Lượng rác thải phát sinh tại đô thị 300 tấn/ngày, được thu gom và xử lý tại cơ sở xử lý rác thải tập trung 281 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 93,7%.
Lượng rác thải phát sinh tại nông thôn 711 tấn/ngày, được thu gom và xử lý 458 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 64,4%. Tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn ước khoảng 15%. Đối với CTR công nghiệp thông thường phát sinh 159,2 tấn/ngày và ước tính đạt khoảng 90% (khoảng 10% CTR công nghiệp còn lại được DN tái sử dụng hoặc tạm lưu kho). Chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh 0,551 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 98%. Mặc dù, công tác thu gom, xử lý rác trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt, hiệu quả nhưng đi kèm với đó là tiềm ẩn các nguy cơ sự cố trong quá trình lưu trữ tại cơ sở hoặc trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số sự cố liên quan đến môi trường như: Ngày 11 và 12-7-2019, tại nhà máy sản xuất hơi có công suất 20 tấn hơi/giờ của Công ty cổ phần dịch vụ Năng lượng Thành Công bị cháy hệ thống túi lọc bằng vải. Từ đó, khói bụi phát tán ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở xã Giao Long, huyện Châu Thành.
Ngày 23-7-2023, tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri mưa lớn kéo dài liên tục dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp các hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1km thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và An Đức khiến người dân bức xúc.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan cho rằng, các sự cố xảy ra mặt dù chưa tác động nghiệm trọng đến môi trường, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, tồn tại khá nhiều bất cập trong công tác khắc phục do thiếu lực lượng và phương tiện chuyên dụng, công tác phối hợp các đơn vị chưa được khai thác triệt để,… Do đó, tỉnh cấp bách cần phải có kế hoạch ứng phó SCCT trong thời gian tới.
Theo kế hoạch quốc gia ứng phó SCCT giai đoạn 2023 - 2030 hướng tới mục tiêu như: Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục SCCT.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra SCCT.
Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh. Xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Ngoan, việc thực hiện nhiệm vụ “Kế hoạch ứng phó SCCT tỉnh giai đoạn 2024 - 2030” là rất cần thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng theo công văn số 197/CV-UB ngày 3-4-2023 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó SCCT giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị, cơ sở trong việc ứng phó các SCCT trên địa bàn tỉnh.
Nhằm khắc phục tình trạng bị động trong công tác ứng phó, cần có sự chuẩn bị để triển khai, nâng cao công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó với các sự cố liên quan đến chất thải trên địa bàn tỉnh; giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các SCCT đến môi trường, con người và tài sản, góp phần ổn định về môi trường, kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.