Bìa sách “Sắc hương bên thềm cũ”.
"Đồng quê Bến Tre bát ngát dừa xanh. Bên này có bọn trẻ đang tụm năm, tụm bảy ngồi hái trái thù lù vừa ăn vừa cười nắc nẻ. Bên kia có mấy chị trong làng đang ngồi quanh gốc dừa mới đốn hạ. Các chị đi mót cọng dừa vừa tiện tay cắt cái lưỡi mèo giòn rụm vừa ăn vừa tám chuyện làng, chuyện xóm trông thật rôm rả. Còn nội mình thì nay đã già chỉ đi quanh quẩn trong nhà ra đến sau hè. Thương lòng con cháu đi làm sớm hôm mà ngắt mấy cái lá sâm về vò cho con cháu ăn giải nhiệt, như cái tình đượm thắm trong bàn tay gân guốc" - Chén sương sâm nước mưa của nội.
Tôi mở tập sách mỏng “Sắc hương bên thềm cũ” của Quách Duy Thịnh và đọc đoạn viết này đầu tiên. Rồi lần lượt đến từng trang viết tiếp theo, với “Cây bông gòn sau hè”, “Thương lắm bần ơi”, rồi “Hàng dừa nước mọc dại ven sông”... hình ảnh vườn quê cứ thế tràn đến, man mác, nhẹ nhàng như cơn mưa đầu hè.
Tác giả Quách Duy Thịnh quê ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, một xã bãi ngang vùng sâu ven sông Hàm Luông. Quê ngoại tôi cũng là Giồng Trôm nhưng ở xã Long Mỹ. Một chút tương đồng với tác giả càng khiến cho cảm xúc hoài niệm về quê của tôi càng thêm đậm đà.
Quách Duy Thịnh viết: “Tập tản văn như những mảnh tình được ghép lại sau một chặng đường dài từ khi tôi sinh ra, lớn lên, rời xứ đi lập nghiệp cho đến khi quay trở về quê hương sinh sống. Tôi đã gửi hết cả ân tình và tâm hồn qua những bài viết được cô đọng lại bằng câu từ trong từng món ngon quê hương mình. Hoài niệm về những chuyến hành trình trên quê hương Bến Tre hay đâu đó ở xứ sở miền Tây hào sảng. Ngoài ra, tôi gửi vào đây chút thơ tình viết vội như một lời thương cảm cho bản thân mình trong những ngày mới trở lại quê hương. Nhưng lòng đất mẹ đã ôm lấy và bao dung khi tôi trở lại quê nhà. Trong thoáng chốc bùi ngùi của những hôm đi làm về giữa khuya thanh vắng hay một nỗi nhớ nào chợt thoáng qua bâng quơ, tôi lại bắt đầu viết. Tôi kiên trì viết qua chừng đó năm dài”.
Tập tản văn “Sắc hương bên thềm cũ” gồm 29 tản văn và một số bài thơ ngắn. Các tản văn hầu hết là những câu chuyện xoay quanh các món ăn dân dã của Bến Tre. Nhưng không chỉ đơn thuần nói về món ăn, trong từng câu chuyện lại chất chứa những hình ảnh của quê hương, phong vị của miệt vườn cù lao xứ dừa. Nổi lên qua đó là tình người, là nếp sống của người dân cù lao, không trùng lặp ở một nơi nào khác.
Tác giả mời người đọc đến với mùa soi nhái đồng, thử con cua đồng ram me chua ngọt, con tép bạc tươi roi rói, trái me chín trên đất Giồng, ly nước mát rễ tranh thơm mùi lá dứa, trái chùm ruột cuối mùa làm mứt... Từng món ăn được mô tả hầu như đều bắt đầu từ những sự kiện đơn giản và gợi nhớ đến những hồi ức tuổi thơ. Tác giả cũng viết về những món ăn đã trở thành đặc sản sang trọng gắn với du lịch Bến Tre như: bánh xèo nấm mối, ốc bươu kho sả nước cốt dừa, canh chua cá bông lau trên sông Hàm Luông…
Tôi đọc tản văn của Quách Duy Thịnh thì cảm thấy rất gần gũi, càng đọc lại càng thấy đồng cảm với những hoài niệm như tác giả. Cũng bất giác có sự liên tưởng so sánh. À! tuổi thơ của anh thế này, còn tuổi thơ của mình thế này...
Những điều mà Quách Duy Thịnh viết lại trong những câu chuyện của mình có thể sau này, nhiều người không còn thấy nữa. Nhịp sống hiện đại đang tràn về quê. Những món ăn vặt ngày nay của giới trẻ nào là trà sữa, nào là bánh tráng trộn, các món ngon thị thành nào là gà rán, bắp bơ đang thay thế những sương sâm, bánh đúc, bánh chuối... Các món ăn chơi đồng quê lại trở thành “của lạ” trong các điểm du lịch, vui chơi.
“Ai về cồn Ốc, Hưng Phong/ Cho tôi nhắn gửi đôi dòng nhớ thương/ Ngăn sông cách trở đôi đường/ Khó mấy cũng chịu bởi thương nhau rồi” - Ai về cồn Ốc, Hưng Phong”.
Sinh năm 1992, Quách Duy Thịnh hiện công tác trong ngành du lịch tại Bến Tre. Tập tản văn “Sắc hương bên thềm cũ” được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, quý II, năm 2020.
Bài, ảnh: Triều Dương