Niềm đau thúc hối
Trong các chương trình hoạt động trọng tâm của Hội BTBNN&NTT-BT, ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh), Chủ tịch Hội, đặc biệt bức xúc với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh tại tỉnh nhà. Mở đầu cho chương trình vận động hỗ trợ mổ tim cho các cháu vào cuối năm 2003, ông đã đi khảo sát số trẻ bị bệnh tim khắp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ tại Bến Tre. Qua khảo sát, ông thật bàng hoàng khi biết hiện ở tỉnh nhà còn hàng trăm trẻ cần được mổ tim kịp thời, mà như chúng ta biết, một cas mổ tim phải cần chi phí 40-50 triệu đồng. Ông Lê Huỳnh ưu tư: “Một gia đình nghèo chẳng may sinh ra cháu nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, không tiền chữa trị, bệnh kéo dài thì khổ biết dường nào! Nhiều trường hợp cha mẹ không có tiền đành phải ôm con chờ chết. Nhiều hoàn cảnh thật thương tâm. Có trường hợp trẻ bị bệnh tim rất nặng, cần phẫu thuật ngay, nhưng khi nhập viện, gia đình gom góp tất cả chỉ được…120.000 đồng!”.
Ông Lê Huỳnh nhớ lại: Có ba trường hợp sau khi đã làm xong các thủ tục nhập viện, xét nghiệm…, chưa kịp lên bàn mổ thì bệnh nhân lên cơn đau tim, tử vong ngay sau đó. Điều khiến chúng tôi rất buồn là nếu được tài trợ phẫu thuật sớm hơn thì không đến nỗi nào. Trên bàn mổ, chúng tôi bị thất bại hai cas, dù tỷ lệ này rất thấp so với 400 cas mổ thành công nhưng ai nấy cũng bùi ngùi tiếc nuối. Năm trường hợp khác không thể mổ được vì bệnh quá nặng, hội đành “bó tay”. Đặc biệt có hơn 10 trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh viện này không đồng ý nhận phẫu thuật, hội cố gắng gõ cửa, kiên trì “gắn” với bệnh viện khác…Và cuối cùng các cas đó cũng đã được phẫu thuật thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây trao học bổng cho học sinh nghèo đã được mổ tim. Ảnh: H.VŨ
Nụ cười thứ 400
Giữa tháng 5-2010, cháu Nguyễn Văn Khanh, 10 tuổi (ngụ ấp Phú, xã Tân Phong, Thạnh Phú) đã được hội đưa đi mổ tim tại Bệnh viện Tim Tâm Đức và đây cũng là ca thứ 400 tính từ khi hội thực hiện chương trình vận động mổ tim cho các cháu tại tỉnh nhà. Hoàn cảnh gia đình của cháu Khanh thật bi đát. Năm Khanh mới 2 tuổi, ba của em đi làm mướn ở Đồng Tháp, khi đi ghe về quê nhà Bến Tre, ông bị té sông rồi chết đuối. Sau đó, mẹ em phải gởi em cho người cậu để đi làm mướn tại TP HCM. Thời gian này, em cũng bắt đầu bị bệnh tim. Cas mổ tim cho cháu Khanh thật phức tạp, trước khi mổ phải chụp mạch máu (500 USD) và mổ xong phải cộng thêm chi phí là 75 triệu đồng. Hiện sức khỏe của em đã phục hồi.
Nhiều trẻ được mổ tim nay đã trở lại dưới mái trường và là học sinh giỏi như em Trọng Hữu (xã Hương Mỹ, Mỏ Cày Nam); em Ngô Hoàng Phước (xã Thạnh Phước, Bình Đại) đã tốt nghiệp THPT, hiện học tại Trường Trung cấp nghề Vĩnh Long và nhiều em đang theo học tại các trường cao đẳng. Số khác còn là công nhân đang làm việc tại TP HCM như em Nhiển (xã Mỹ An, Thạnh Phú), em Dung (Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày Bắc), em Trinh (Tam Phước, Châu Thành)…; em Hằng Ni (xã Mỹ An, Thạnh Phú) sau khi mổ tim, nay đã có chồng, con…
Mở rộng vòng tay nhân ái
Những tấm lòng vàng đã gởi niềm tin đến hội để lo cho bệnh nhân nghèo như Nhà máy Thuốc lá Bến Tre. Khi nhận huân chương, nhà máy xin không nhận hoa, quà mà xin được nhận tiền để giúp cho bệnh nhân nghèo. Các bến phà trong tỉnh tự tổ chức đặt thùng từ thiện, người hảo tâm qua lại phà góp vào để mổ tim cho các cháu. Ông Lâm Văn Hoàng (định cư ở Mỹ) về quê tổ chức đám cưới cho con, đã gởi toàn bộ số tiền mừng cưới đến hội để mổ tim cứu sống một em ở Mỏ Cày.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Triển, người con quê hương Bình Đại, hiện công tác tại TP HCM, đã hỗ trợ tiền mổ tim cứu sống nhiều trẻ tại Bến Tre. Ông cũng là người ngay buổi đầu đã hỗ trợ 450 triệu đồng giúp hội xây dựng phòng khám, điều trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo rồi tiếp tục hỗ trợ thêm số tiền lớn giúp hội mua máy mổ mắt PHACO hiện đại đặt tại địa phương để mổ mắt cho bệnh nhân nghèo.
Bà Phạm Thị Nĩ (bà Sáu Hòa), 79 tuổi, cán bộ hưu trí, sống tại Trung tâm Xã hội tỉnh Bến Tre (vừa qua đời) với tấm lòng thật cao cả. Năm 2004, bà đã bán nữ trang kỷ niệm của bà, gởi đến hội 20 triệu đồng. Số tiền này đã hỗ trợ phẫu thuật tim cứu sống em bé mồ côi Trần Thị Thủy (Mỏ Cày). Chưa dừng lại ở đó, năm 2007-2008, bà tiếp tục dành dụm được 30 triệu đồng rồi đem đến hội để chi phí cho cas mổ tim cho em Trần Phạm Ngọc Lan Anh, 2 tuổi (xã An Bình Tây, Ba Tri), con của một bộ đội phục viên, gia đình rất nghèo.
Nhiều gia đình có người thân qua đời, dành tiền phúng điếu ủng hộ các chương trình của hội như: Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (phường 7), bà Nguyễn Thị Đào (phường 8), ông bà bác sĩ Trương Hữu Nhân – Huỳnh Lan (phường 1), bà Trần Thị Bạch Tuyết (xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày), ông Bùi Quang Lâm (Tiền Giang), bà Nguyễn Thu Ánh và bà Nguyễn Thanh Vân ( Q.6, TPHCM), ông bà Trần Văn Cường (Q,1, TPHCM)… Bà Akemi Bando (Nhật), bác sĩ Onishin (Nhật), ông André Menras (Pháp), bà Karoline (Pháp), ông Nguyễn Việt Thắng (TP HCM)… và nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân khác trong ngoài nước đã góp sức cùng hội cứu sống 400 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, cùng với hội lo học bổng cho các cháu sau khi mổ tim, cất 30 ngôi nhà “mái ấm trái tim” cho những gia đình trước đó có trẻ bị bệnh tim. Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nhân Đức đã hỗ trợ hội mổ tim cho hơn 100 cháu, Hội Bảo trợ bệnh nghèo TP HCM hỗ trợ mổ tim cho hơn 60 cháu. Ngoài ra, phải kể đến lòng tận tâm của các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẩy, Viện Tim, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM…Tổng số tiền hội đã vận động để phẫu thuật cho 400 trái tim nói trên là trên 20 tỷ đồng.
Ông Lê Huỳnh đau đáu: “Hiện nay, hội còn gần 100 hồ sơ người bị bệnh tim. Trong số đó phần đông là người lớn, trong tuổi lao động, đông con, gia đình rất nghèo đang cần được mổ tim sớm. Biết rằng một cas mổ tim cho người lớn rất nhiều tiền, nhưng vì sinh mạng con người, một lần nữa chúng tôi mong được sự chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm”.