Hiệp hội quần vợt nhà nghề nam và nữ (ATP và WTA), cùng Liên đoàn quần vợt Quốc tế (ITF) và các Hiệp hội quần vợt Australia, Pháp, Mỹ, Anh là những tổ chức đóng góp cho chương trình cứu trợ.
Với 6 triệu USD quyên được và 800 tay vợt dự kiến được hưởng, trung bình mỗi người sẽ nhận 7.500 USD. Nhưng tiền hỗ trợ sẽ được chia theo vị trí xếp hạng và thu nhập tiền thưởng, theo hướng các tay vợt nghèo sẽ nhận được phần nhiều hơn.
Ngoài khoản sáu triệu USD do bảy tổ chức quần vợt gây quỹ kể trên đóng góp, quỹ hỗ trợ có thể gia tăng trong tương lai, nhờ nguồn bên ngoài chẳng hạn như các đối tác, nhà tài trợ, các tay vợt bậc cao (đóng trực tiếp hoặc đấu giá vật phẩm...)
"Việc tạo ra chương trình cứu trợ là minh chứng tích cực cho sự đoàn kết của môn thể thao này trong giai đoạn khủng hoảng", trích thông báo trên trang chủ ATP. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ cho tennis, để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của môn thể thao này giữa thách thức chưa từng có trong lịch sử".
Covid-19 khiến các hoạt động tennis chuyên nghiệp bị tê liệt ít nhất là đến ngày 13-7. Hơn 30 giải đấu của ATP và WTA bị hủy, gây ảnh hưởng đáng kể đến các tay vợt sống dựa vào tiền thưởng ở các sự kiện. Nhóm "Big Three" gồm Djokovic, Nadal và Federer từng kêu gọi ủng hộ tiền cho các đồng nghiệp thứ bậc thấp, nhưng không phải ai cũng đồng ý quyên góp.
"Hầu hết các tay vợt sống dựa vào tiền thưởng", Mitchell Krueger, tay vợt số 195 thế giới, chia sẻ trên AP. "Không phải ai cũng có những hợp đồng tài trợ để đảm bảo thu nhập. Vậy nên, việc không còn các giải đấu khiến chúng tôi thực sự gặp khó. Đây là tình huống mà hầu hết các tay vợt chưa từng trải qua".
Trọng Ân