16/09/2023 - 15:52
 

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khoảng 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra với xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Sạt lở trên kênh Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành vào tháng 7-2023. Ảnh: T. Thảo

Một số khu vực bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng như: bờ biển khu vực Cồn Ngoài, ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; bờ biển khu vực xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; khu vực cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách; khu vực cồn Thành Long, ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, bờ sông Mỏ Cày, thuộc Khu phố 7, thị trấn Mỏ Cày Nam. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có 16 điểm bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở 6.774m.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Khảo sát sạt lở bờ sông Bến Tre (đoạn xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre), bờ sông Mỏ Cày, bờ sông trên địa bàn cồn Phú Đa (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách), bờ sông An Hóa (phía Bình Đại). Ảnh: PV-CTV

Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, sạt lở bờ sông ở mỗi khu vực có nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu như các bậc thang thủy điện trên thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy và giảm khối lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn khoảng 25 - 35% so với trước đây dẫn đến xói lở sẽ gia tăng do thiếu hụt lượng bùn cát trong lòng dẫn. Bên cạnh đó, do đặc điểm hình thái sông tạo ra hiện tượng dòng chảy xoáy, co hẹp dòng chảy... gây xói lòng sông. Ngoài ra, việc xây dựng nhà và công trình lấn sông rạch cũng làm tải trọng ven bờ sông tăng lên, đất bờ sông yếu không chịu được tải trọng lớn gây sạt lở bờ; sóng do gió, do giao thông thủy gây xói lở bờ sông. Tình trạng khai thác cát gây mất cân bằng bùn cát cũng là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ sông.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Sạt lở ở Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri ảnh hưởng tới diện tích rừng phòng hộ và đời sống người dân. Ảnh: Thanh Đồng

Hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới so với số liệu tổng hợp nêu trên, tuy nhiên mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng). Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Người dân luôn là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi thiên tai. Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Tấn Tới (Tổ 14, ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình) ở ven bờ sông Cổ Chiên. Điểm này đã sạt lở nhiều năm nay và được địa phương gia cố nhiều lần, nay vết sạt lở đã vào sát thềm nhà ông Tới. Gia đình ông hiện đã di dời sang khu vực khác ở tạm gần 1 năm nay. Ngôi nhà gạch cũ dùng làm chuồng trại nuôi dê cùng 2 công đất vườn chôm chôm đang cho trái hiện chỉ còn cách mép sạt lở khoảng 1m, phập phồng không biết sẽ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. “Sáng nào tôi cũng qua đây thăm con nước triều cường, lo quá không ăn ngủ được. Đất đai không nhiều, mỗi năm chỉ có trông chờ vụ trái cây này, lỡ nước tràn vô là mệt lắm. Mỗi ngày mưa to là thấy đất lại sụp xuống thêm một chút”, ông Tới lo lắng nói. Đê bao ven sông Cổ Chiên đã sạt lở một đoạn dài khoảng 9m, đe dọa đến nhà ở và vườn cây ăn trái của người dân địa phương.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Hai vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tới, tổ 14, ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách lo lắng nhìn vết sạt lở ngay trước thềm nhà. Ảnh: Thanh Đồng

Bà con địa phương cho biết, khu vực đê bao ven bờ sông Cổ Chiên này đã từng bị sạt lở rất nhiều lần. Mỗi lần vậy, địa phương lại gia cố, khắc phục bằng các biện pháp như đóng cừ dừa, chèn rọ đá nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục. Vị trí sạt lở ngày càng ăn sâu vào trong, ngoài khả năng xử lý của người dân.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thi ở cách đó không xa cũng đã bị mất khoảng 500m2 đất từ những lần sạt lở trước đây cho biết: “Người dân ở đây rất lo lắng, không biết sạt lở thêm lúc nào. Mùa này nông dân đang trồng cây ăn trái, nếu vỡ đê, nước tràn vào thì sẽ gây thiệt hại lớn”.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Sạt lở gây ngập úng, ảnh hưởng vườn cây ăn trái của người dân trên địa bàn huyện Chợ Lách và Châu Thành. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Trường Giang - công chức môi trường xã Vĩnh Bình cho biết: Địa bàn xã Vĩnh Bình, khu vực cặp sông Cổ Chiên thuộc 3 ấp Phú Hiệp, Hòa Thuận, Phú Hòa là khu vực sạt lở rất nghiêm trọng. Các điểm sạt lở trước hiện đã được địa phương khắc phục tạm thời. Trước đây, khu vực này được Nhà nước đã gia cố kiên cố nhưng do con sông thay đổi dòng chảy nên bờ sông bị xói sâu, dẫn đến sạt lở. Hiện trường sạt lở ở địa bàn Tổ 14, ấp Hòa Thuận nếu đê vỡ thì sẽ gây thiệt hại khoảng 70ha cây ăn trái sầu riêng, chôm chôm của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã vận động người dân di dời tài sản, vật chất vào nơi ở an toàn và báo cáo về huyện vì tình hình vượt khả năng của địa phương”.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Anh Mai Văn Tia ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri là một trong các hộ dân bị thiệt hại do sạt lở ở Cồn Ngoài. Ảnh: Thanh Đồng

Tại bờ biển Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, ngay liền kề khu vực bờ kè kiên cố đã hoàn thành là khu vực bờ biển bị sạt lở nặng nề. Anh Mai Văn Tia, người dân ấp Thạnh Hải cho biết: “Tôi di dời nhà mình đã 3 lần, đây là lần thứ 4, đất bị sạt lở hiện còn khoảng 1 công nhưng cũng không trồng gì được do cỏ lát nhiều, nên chủ yếu đi làm thuê làm mướn thôi. Năm nay có thể cũng sẽ bị lở nữa, xin cấp trên có giải pháp để giúp người dân ổn định sinh sống”. Anh Mai Văn Tia là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nề do sạt lở bờ biển. Ngôi nhà che tạm của gia đình anh Tia đang ở sát với bờ biển, có nguy cơ bị sạt lở tiếp khi mùa gió chướng sắp đến.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian qua, các ngành, địa phương đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tăng cường thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở. Thực hiện chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Khảo sát tiến độ thi công công trình bờ kè chống sạt lở bờ sông Bến Tre, đoạn xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Thi công Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp. Ảnh: Thạch Thảo

Thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2338/KH-UBND ngày 4-5-2021, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể các ngành, địa phương thực hiện. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã được các ngành, các cấp địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thông qua báo, đài, mạng xã hội (Zalo, Facebook …), tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai, lồng ghép trong các cuộc họp dân tại phương (tổ, ấp, khu phố).

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng 22 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 37km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển thông qua đề tài nghiên cứu công nghệ chế tạo đê mềm trên cơ sở vật liệu cốt sợi phủ polyme nhiệt đới hóa, chống sạt lở, bảo vệ các công trình quốc phòng và dân sinh của tỉnh Bến Tre; sản phẩm đê mềm với quy mô thử nghiệm được tính toán thiết kế sơ bộ có các thông số kỹ thuật chính: chiều dài 150m, cao trình 1.5 - 2m, chịu được chiều cao sóng dưới 2m và chịu các yếu tố khí tượng, thủy văn khác ảnh hưởng đến độ bền vững của đê.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Kè mềm bằng túi Geotube ven biển Thạnh Phong (Thạnh Phú). Ảnh: Phan Hân

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Kè chống sạt lở Cồn Bửng, Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Quản ký chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho người dân.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát tình hình sạt lở ở Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Tại chuyến khảo sát tình hình sạt lở ở Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: “Để thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thì trước hết tỉnh sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân, đây là vấn đề quan trọng để mọi người có ý thức bảo vệ bờ sông, bờ biển. Một giải pháp căn cơ là trồng rừng và bảo vệ rừng ven sông, ven biển để phòng chống sạt lở. Thứ ba là thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình. Đặc biệt là công trình kè mềm nhằm giảm sóng, tạo bồi lắng, bảo vệ bờ biển”.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tình hình sạt lở ở Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Cẩm Trúc

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

Trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng hiện nay, UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn theo Chương trình mục tiêu ứng phó xói lở bờ biển, xâm nhập mặn và chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương khoảng 1.160 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 dự án cấp bách trên địa bàn tỉnh. Các dự án này cần thiết phải đầu tư ngay để khắc phục tình trạng xói lở, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh và được phép sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh để thực hiện, nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhiệm vụ cấp bách.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

6 dự án cấp bách trên địa bàn tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ.
 
Bên cạnh đó, Bến Tre cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 xem xét, hỗ trợ tỉnh sớm triển khai xây dựng công trình cống An Hóa thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3), nhất là hạng mục công trình nằm trong khu vực sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long để đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra. Đề xuất các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện, trường tiếp tục hỗ trợ tỉnh rà soát, đánh giá các khu vực sạt lở để khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục cho phù hợp. Hỗ trợ xây dựng bản đồ sạt lở toàn tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh, ứng phó, khắc phục sạt lở.

Bến Tre ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển

-------------------------------------
Thực hiện

Nội dung: Thanh Đồng

Thiết kế đồ họa: Mỹ Hạnh

Hình ảnh: Thanh Đồng - Thạch Thảo - Cẩm Trúc - Phan Hân