Bình đẳng giới về lao động và việc làm

31/12/2012 - 08:08

Luật Bình đẳng giới ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề bình đẳng giới. Thời gian qua, hoạt động về bình đẳng giới luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhằm từng bước thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, rút ngắn khoảng cách về giới giữa nam và nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Hiện nay, Bến Tre có khoảng 80% lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm 60%. Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho khu vực lao động nông thôn được tập trung thực hiện. Hàng năm, số lượng nữ tham gia học nghề có tăng lên nhưng số lao động được đào tạo nghề so với lao động chung còn hạn chế. Lao động qua đào tạo nghề chiếm 40% thì lao động nữ chỉ có 15,7%. Sự thiếu hụt lao động nữ có chuyên môn kỹ thuật đã làm cho vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội chưa được công nhận đúng mức. Trước thực tế trên, ngày 20-12-2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo các vấn đề về thúc đẩy bình đẳng giới trên lĩnh vực lao động và việc làm. Tham gia hội thảo có đại diện một số sở, ngành, đoàn thể cùng 50 đại biểu là phụ nữ xã, phường, chi tổ hội trên địa bàn TP. Bến Tre.

Ngày nay, phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được chú trọng, vị thế của phụ nữ ngày một nâng lên. Riêng năm 2011, Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Đề án bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2011-2015 phương hướng đến năm 2020. Nhiều chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ được triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Hàng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm khoảng 23.000 lao động, trong đó có 13.826 lao động nữ, nâng tổng số lao động nữ được giải quyết việc làm lên 52,7%. Bên cạnh đó, các chế độ, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ vay vốn, chế độ nghỉ thai sản luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng mất bình đẳng, chênh lệnh về giới trên một số lĩnh vực trong đời sống xã hội vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, mức thu nhập giữa nam và nữ thể hiện rõ nhất. Cùng làm việc 8 giờ mỗi ngày nhưng nữ thì chỉ 60 đến 80.000 đồng trong khi nam từ 100 đến 120.000 đồng đối với lao động nông thôn. Các công ty hay doanh nghiệp mất bình đẳng về giới thể hiện ngay ở khâu thông báo tuyển dụng, nữ thì tuổi đời phải trẻ hơn nam, phải có ngoại hình hoặc thể lực. Một số doanh nghiệp còn không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, hết hạn hợp đồng thì doanh nghiệp không giao kết hợp đồng tiếp theo, dẫn đến tình trạng có nhiều lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản.

Trong lĩnh vực gia đình cũng thể hiện sự mất bình đẳng. Phụ nữ vừa có thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu vừa làm việc xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quan niệm cho rằng công việc nội trợ, gia đình là những việc nhỏ thuần túy của gia đình và dành cho phụ nữ. Thực chất 2 dạng lao động trên là lao động nhằm tái sản xuất sức lao động cho mọi thành viên trong gia đình. Một căn nhà gọn gàng, ngăn nắp, mọi vật được bày trí đẹp mắt, những đứa con ngoan ngoãn, thông minh, những bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng, những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái… không chỉ mang ý nghĩa văn hóa gia đình mà còn là những biểu hiện công sức đóng góp âm thầm của người phụ nữ. Về việc tham gia công tác xã hội,  cơ hội cho phụ nữ nông thôn còn thấp hơn so với nam giới. Không phải chị em không có năng lực mà là do quan niệm trách nhiệm đối với gia đình đã đè nặng lên đôi vai. Nhiều phụ nữ nông thôn vất vả không có thời gian để tự chăm sóc mình, làm đẹp cho bản thân, thì đâu có thời gian tham gia công tác xã hội. Phụ nữ nông thôn có rất ít thời gian để hưởng thụ các loại hình văn hóa. Đó là sự thiệt thòi lớn so với nam giới và cả những nhóm phụ nữ khác đang sống tại thành thị. Vì vậy, quyền bình đẳng cho phụ nữ là rất cần thiết, nhất là phụ nữ nông thôn.

Ban tổ chức hội thảo đã chia 3 nhóm thảo luận các vấn đề về vai trò của phụ nữ trong lao động việc làm, phụ nữ trong gia đình và phụ nữ trong công tác giảm nghèo. Các nhóm đã đưa ra giải pháp nhằm kéo giảm sự mất bình đẳng về giới, như: phải tăng cường sự tham gia của lãnh đạo nữ trong quản lý, nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe và tuyên truyền giáo dục, đời sống gia đình, xóa bỏ bạo lực về giới, nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Thiên Ân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN