Cây thiên tuế trăm tuổi ở đình Phú Nhuận

10/01/2025 - 06:06

BDK - Hôm nay, ngày 10-1-2025, cây thiên tuế đình Phú Nhuận đón nhận danh hiệu Cây di sản. Đình Phú Nhuận ở xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre là di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 27-6-2016. Trong khuôn viên đình, có một cây thiên tuế 200 năm tuổi. Nhiều năm nay, cây thiên tuế được biết đến là một trong những cổ thụ quý hiện diện trên địa bàn, được cộng đồng dân cư chung tay chăm sóc, bảo vệ.

Cây thiên tuế 200 năm tuổi của đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre.

Theo hồ sơ di sản, tuy chưa xác định chính xác được thời điểm cây thiên tuế hiện diện ở đình Phú Nhuận nhưng theo các cụ cao niên trong vùng, khi trùng tu ngôi đình Phú Nhuận lần thứ nhất từ năm 1911, cây thiên tuế đã có trong khuôn viên đình. Thời điểm đó, cây thiên tuế đã ngoài 100 tuổi. Vì cây cao, thân to chắc, chịu đựng qua giông bão. Theo lời thầy Hương Lễ Chung Văn Bổn (sinh năm 1905) kể lại: “Khi tôi lớn lên thì thấy có cây rồi”.

Bên cạnh đó, qua đối chiếu so sánh với độ tuổi cây thiên tuế ở các địa phương khác là TP. Pleiku, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cũng như cách tính tuổi cây, ý kiến tham vấn của các chuyên gia thực vật học từ Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, thì có thể xác định cây thiên tuế đình Phú Nhuận khoảng 200 năm tuổi.

Hiện tại, cây cao 6m, tán rộng 6m. Chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 3,2m, đường kính 1,4m. Cây đứng, từ gốc cao đến 2m chỉ một thân, từ 2m trở lên cây chia làm 2 tược, từ 2 tược này phân thành 10 ngọn, chu vi mỗi tược từ 0,5 - 0,8m. Hiện cây phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, không có cây ký sinh hay nấm ký sinh. Đặc biệt, cây có khả năng kháng bệnh trong quá trình sinh trưởng, không phát hiện sâu bệnh, rệp sáp. Cây thiên tuế hàng năm trổ bông vào mùa xuân, góp phần tạo nên cảnh quan đặc biệt linh thiêng cho đình Phú Nhuận.

Riêng về đình Phú Nhuận cũng là ngôi đình có tuổi đời hơn trăm năm của TP. Bến Tre. Đình tọa lạc trên khuôn viên có tổng diện tích 20.436,3m2, diện tích xây dựng 432m2. Mảnh đất này do ông Hương chánh Tửng hiến tặng lập đình.

Theo các vị cao niên, khi đình chính được trùng tu, dàn cột, kèo, xuyên, trính, áp quả được tận dụng để dựng nên ngôi Tiên sư. Khi khánh thành thì được nhân dân trong làng phụng cúng nhiều hoành phi mà hiện nay đình còn lưu giữ. Tại chính điện của đình có treo một bức hoành phi chữ Hán với nội dung “Phú Nhuận linh từ”, đọc từ phải sang trái với dòng lạc khoản: Tân Hợi niên, quý xuân, cát tạo, có nghĩa là “Ngôi miếu linh Phú Nhuận và hoành phi này được tạo lập vào ngày tốt, tháng 3, năm Tân Hợi” (1911). Có lẽ đây là mốc đình được trùng tu, còn thời gian xây dựng thì trước đó. Đình Phú Nhuận thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, tuy không có sắc phong của vua nhưng rất linh thiêng, được nhân dân tin tưởng. Mỗi năm đình có 2 lệ chánh cúng vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch.

Kiến trúc của đình là kiến trúc cổ truyền được xây dựng theo kiểu hình chữ Nhất, với cột, kèo, đòn tay, rui, mè bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bông và tráng xi-măng, vách tường gạch, bên trên nóc trang trí lưỡng long tranh châu, ngư hóa long, con nghê... chất liệu bằng sành sứ tráng men. Đình Phú Nhuận còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ. Các hoành phi, bao lam, câu đối bằng chữ Hán của đình rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Trong thời gian 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Phú Nhuận là nơi hội họp của cách mạng và nhân dân.

Việc công nhận cây thiên tuế đình Phú Nhuận là cây di sản sẽ tạo điều kiện cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp tỉnh đình Phú Nhuận. Qua đó, góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau, ca ngợi, tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất này.

Như vậy, từ nay cùng với cây bạch mai ở đình Phú Tự (xã Phú Hưng) thì TP. Bến Tre có thêm một cây di sản nữa là cây Thiên tuế đình Phú Nhuận. Hai cây di sản gắn với 2 ngôi đình có kiến trúc đẹp và các câu chuyện truyền thống địa phương đã tạo thêm điểm tham quan du lịch cho TP. Bến Tre, phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch bền vững của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Hạnh Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN