BDK.VN - Ngày 12-3-2025, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có văn bản số 1358 gởi Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Bến Tre về việc trả lời kiến nghị của cử tri Bến Tre sau Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV. Ngày 14-1-2025, Bộ Y tế nhận được Công văn số 18/BDN của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, QH khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre.
Cử tri có ý kiến về các chế độ chế độ sách bảo hiểm y tế.
Theo cử tri, hiện nay phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cao nhưng chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa tương xứng, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh công lập. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia như: dịch vụ, thuốc, vật tư y tế phải được đảm bảo; bảo hiểm y tế phải tăng chi trả phí điều trị cho người mắc bệnh hiếm nghèo...
Cùng nội dung này, cử tri kiến nghị: Hiện nay mức giá mua BHYT đã tăng thì cần nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế, đặc biệt, những trường hợp bệnh nặng đề nghị việc chuyển tuyến điều trị bằng BHYT phải thông thoảng, thuận lợi, kịp thời hơn, hiện nay thủ tục chuyển tuyến còn rất khó khăn cho người dân.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
Về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia như: dịch vụ, thuốc, vật tư y tế phải được đảm bảo Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
- Ngày 17-11-2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17-11-2023 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Việc thống nhất giá dịch vụ giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở khác nhau.
- Ngày 18-10-2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định về việc thanh toán chi phí thuốc và thiết bị y tế trực tiếp cho người có thể BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Cụ thể, trong trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc hoặc thiết bị y tế cần thiết, người bệnh có thể mua trực tiếp và được quỹ BHYT thanh toán lại chi phí này. Điều này nhằm đảm bảo người tham gia BHYT được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết mà không bị gián đoạn do thiếu hụt nguồn cung từ cơ sở y tế.
- Ngày 1-1-2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật BHYT, trong đó có danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT; đồng thời quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, quy định chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu.
- Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, số cơ sở ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đã tăng lên 2.897, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân. Sự mở rộng này giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên cập nhật, điều chỉnh và bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc và vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng đa dạng và đảm bảo người tham gia BHYT được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng và phù hợp.
- Ngày 16-11-2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 37/2024/TT-BYT, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật Thông tư ban hành danh mục thuốc để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao và đưa ra khỏi danh mục các thuốc không còn phù hợp.
Về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đã được ban hành như Luật Đấu thầu và Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã góp phần giải quyết khó khăn trong vấn đề mua sắm đấu thầu nói chung cung như mua sắm thuốc nói riêng. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn, bổ sung trong công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hỗ trợ cho đơn vị có chức năng đấu thầu tập trung quốc gia; đề nghị người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để phát hiện kịp thời những hạn chế, sai sót và rút kinh nghiệm trong công tác đấu thầu.
Về việc tăng chi trả phí điều trị cho người mắc bệnh hiểm nghèo và việc chuyển tuyến điều trị bằng BHYT
Ngày 27-11-2024, QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; trong đó nhiều chính sách mới sẽ được triển khai nhằm tăng cường hỗ trợ chi trả phí điều trị cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày 1-1-2025, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, trong đó quy định giấy chuyển tuyến có hiệu lực trong 1 năm kể từ ngày ký, giúp giảm bớt thủ tục hành chính cho người bệnh; đồng thời người tham gia BHYT khi mắc các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo hoặc cần phẫu thuật, kỹ thuật cao có thể đến thẳng các cơ sở y tế chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến như trước đây. Trong trường hợp này, BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí điều trị.
Danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được Bộ Y tế ban hành bao gồm 62 bệnh, nhóm bệnh, trong đó có những bệnh lý nghiêm trọng như: ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật động mạch chủ, hôn mê, mù hai mắt, bệnh cơ tim, mất hai chi, hôn mê, mất thính lực, bại liệt, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật vĩnh viễn.
Ngoài ra, từ ngày 1-7-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Về BHYT, một trong những bất cập dễ thấy nhất là mức đóng BHYT của học sinh trong nhà trường hiện còn cao hơn mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia. Kiến nghị cho phép học sinh, sinh viên được tham gia BHYT theo hộ gia đình để giảm bớt phần nào chi phí mua BHYT cho người dân.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, QH và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT là 4,5% mức tiền lương, lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở, dựa trên điều kiện phát triển đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20-4-2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; (3) Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14-5-2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17-5-2024 quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Chính phủ đã ban hành các chính sách cụ thể. Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19-10-2023 của Chính phủ và Luật số 51/2024/QH15 của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT đã được quy định cho các nhóm đối tượng như người có công, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Về việc kiến nghị để đối tượng học sinh, sinh viên được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình QH xem xét, sửa đổi Luật BHYT theo hướng: Người mua BHYT tại trường học là đối tượng học sinh, sinh viên được chuyển sang mua BHYT theo đối tượng gia đình. Tuy nhiên, để bảo đảm quản lý theo từng nhóm đối tượng và thực hiện ổn định chính sách BHYT đối với nhóm học sinh, sinh viên, nhóm này vẫn tiếp tục đóng BHYT theo nhóm 4.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3 của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19-10-2023, Chính phủ quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu cho các đối tượng được quy định, đồng thời hỗ trợ thêm cho các đối tượng không thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo quy định hiện hành và gặp khó khăn trong việc tham gia BHYT liên tục.
Với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng BHYT hiện tại được đánh giá là thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi gặp ốm đau, bệnh tật.
Kiến nghị hỗ trợ BHYT cho thân nhân các đối tượng đã được hưởng chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8-11-2005 về quy định chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 về quy định thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2021 về chế độ chính sách đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến được hưởng chế độ BHYT theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên. Tuy nhiên, chính sách hiện hành chưa quy định mở rộng phạm vi hỗ trợ BHYT cho thân nhân của các đối tượng này.
Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, nghiên cứu khả năng mở rộng chính sách BHYT cho thân nhân của các đối tượng đã có công với đất nước. Việc điều chỉnh chính sách sẽ được cân nhắc dựa trên khả năng cân đối của Quỹ BHYT và nguồn ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân một cách hợp lý và bền vững.