Cấp ủy có vai trò quan trọng trong công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ

20/09/2011 - 17:42
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.H

Hôm qua (ngày 20-9-2011), Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về luân chuyển, quy hoạch cán bộ. Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Việt - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đại diện lãnh đạo các ban Đảng tỉnh, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh; đại diện Thường trực và Trưởng ban Tổ chức các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc. Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Công tác qui hoạch và luân chuyển cán bộ là hai khâu rất quan trọng có tính chất nền tảng trong qui trình công tác cán bộ, gồm: đánh giá, qui hoạch đào tạo, bố trí, luân chuyển, đề bạt, thực hiện chính sách cán bộ. Qui hoạch và luân chuyển cán bộ đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Nhìn chung, thời gian qua, công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh. Các cấp ủy và tổ chức Đảng đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức, chú ý hơn đến việc chỉ đạo thực hiện, quan tâm đổi mới nội dung và cách làm quy hoạch cán bộ. Hai công tác này được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo công khai, khách quan và đúng quy trình, phát huy vai trò của tập thể cấp ủy, thường vụ cấp ủy, lãnh đạo cơ quan và người đứng đầu. Công tác qui hoạch, luân chuyển cán bộ được thực hiện ở từng cấp, từng ngành sát với nhu cầu thực tiễn, chủ động được nguồn cán bộ, phục vụ tốt cho công tác nhân sự của cấp ủy Đảng, khuyến khích ý thức tự giác của cán bộ đảng viên. Qua đó, khắc phục tình trạng hụt hẫng, chắp vá, bị động về cán bộ, tạo điều kiện cho việc chủ động bố trí nhân sự, nhất là việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu HĐND, UBND các cấp. Việc triển khai có sự chuẩn bị kỹ và phối hợp chặt chẽ giữa nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến… Kết quả, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có trình độ đại học của nhiều cấp ủy tăng hơn khóa trước (tỉ lệ cán bộ trẻ so với khóa trước tăng 6,57%, trình độ đại học tăng 12,39% ở cấp huyện và tương đương. Ở cấp tỉnh các tỉ lệ này tăng 2,5%, 13,4%, và cử nhân chính trị tăng 12,25%...) Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới. Từ năm 2004 đến nay, các cấp, các ngành đã cử 1.168 cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và cao học chính trị các chuyên ngành… Từ năm 2002 đến nay, toàn Đảng bộ đã luân chuyển 169 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Qua thời gian luân chuyển, qua đánh giá có 89,9% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những thuận lợi, khó khăn cũng như giải pháp, kiến nghị để tạo sự chuyển biến tốt hơn trong công tác luân chuyển, quy hoạch cán bộ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, yếu tố có ý nghĩa quyết định là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy Đảng. Quy hoạch cán bộ phải đảm bảo công tác cán bộ đi vào nề nếp, khắc phục tình trạng hụt hẫng, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Nó phải là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh. Các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa qui hoạch cán bộ và bố trí sử dụng cán bộ. Trong đó, qui hoạch cán bộ là tạo nguồn chuẩn bị cán bộ cho chức danh qui hoạch, bố trí nhân sự, là sự lựa chọn người có thể đảm đương ngay vị trí lãnh đạo, quản lý khi có nhu cầu. Khi thực hiện công tác này phải đảm bảo yêu cầu về độ tuổi, đặc biệt quan tâm đến qui hoạch cán bộ nữ và cán bộ trẻ nhằm tạo nguồn đáp ứng yêu cầu của công tác nhân sự nhiệm kỳ tiếp theo. Bố trí, đề bạt cán bộ phải trên cơ sở qui hoạch, đào tạo…

 

* Cùng ngày, Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên.

Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đem lại hiệu quả thiết thực, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng hơn, tạo được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở được quan tâm hơn. Nhiều cấp ủy và cán bộ, đảng viên được rèn luyện, thử thách, trưởng thành qua thực tiễn công tác gương mẫu về đạo đức, lối sống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc thực hiện một số mô hình mới như: Đảng bộ bộ phận, việc nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã bước đầu đem lại hiệu quả trong việc lãnh đạo, điều hành, phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng chưa đầy đủ, chưa dành nhiều thời gian, công sức để tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố chi bộ, đảng bộ cơ sở; một số cấp ủy chưa phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo…

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN