Giáo dục lịch sử và truyền thống, bài 2:

Chăm lo các gia đình có công với cách mạng

24/07/2020 - 07:28

BDK - Cùng với tuyên truyền và các hoạt động tham quan, nhiều đoàn viên, thanh thiếu niên còn được tạo cơ hội để trực tiếp tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Qua đây, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đối với những người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn viên, học sinh thăm và nấu “bữa cơm tri ân” tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tiết ở huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Đoàn viên, học sinh thăm và nấu “bữa cơm tri ân” tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tiết ở huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Nhiều hoạt động thiết thực

Qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Bến Tre là một trong những địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát. Toàn tỉnh có hơn 35 ngàn liệt sĩ, 20 ngàn thương bệnh binh, 6.829 mẹ Việt Nam anh hùng, gần 100 ngàn người đã có đóng góp công sức, xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Trong điều kiện đời sống kinh tế của các gia đình người có công nói chung còn nhiều khó khăn, toàn xã hội đã chung tay cùng Đảng và Nhà nước chăm lo cho quý mẹ Việt Nam anh hùng và người có công bằng nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ sinh kế thoát nghèo, vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời quý mẹ Việt Nam anh hùng... Nhiều chi đoàn cơ sở nhận phụng dưỡng quý mẹ Việt Nam anh hùng đã phân công đoàn viên thường xuyên đến thăm nom, an ủi, động viên các mẹ trong tuổi xế chiều, trở nên gắn bó với các gia đình chính sách.

Trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2019, chúng tôi đã có dịp đồng hành cùng đội hình Niềm tin xanh của các em học sinh khối THPT để trực tiếp tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Hoạt động chủ điểm của đội hình Niềm tin xanh chính là “Ngày tri ân” khi các em đến thăm viếng các gia đình có công với cách mạng. Với ngày tri ân, chính tay các em quét dọn nhà cửa, đi chợ nấu “bữa cơm tri ân” cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng đau yếu, neo đơn. Những tiếng cười nói hồn nhiên của tuổi trẻ tiếp thêm luồng sinh khí mới cho những ngôi nhà bình thường hiu quạnh. Cũng từ chính những bữa cơm, những chuyến thăm đậm tình này, câu chuyện về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng được kể lại, được các em học sinh đón nhận một cách rất tự nhiên, khiến các em thêm trân quý những hy sinh mất mát của cha anh. Không ít lần chúng tôi đã chứng kiến có em đã khóc vì xúc động.

Chị Trương Việt Trinh - Bí thư Xã đoàn Tân Xuân, huyện Ba Tri nói: “Khi tham gia các hoạt động ngày tri ân, nhiều bạn đoàn viên, thanh niên đã có chuyển biến tốt. Về sau, các bạn ngày càng tích cực, xung phong tham gia các hoạt động Đoàn và địa phương”.

Chung tay đóng góp

Công tác xã hội hóa hoạt động đền ơn đáp nghĩa cho đoàn viên, học sinh thời gian qua cũng đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ. Đoàn Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc) mỗi năm đều thực hiện vận động xã hội hóa công tác này. Sự chung tay đóng góp của thầy cô giáo và học sinh toàn trường hàng năm đã tạo nguồn kinh phí để thăm nom, tặng quà, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo đánh giá của Trợ lý Đoàn thanh niên Trường THPT Ngô Văn Cấn Lương Tấn Lộc, các nội dung vận động gây Quỹ đền ơn đáp nghĩa được học sinh tham gia đạt 100%. Các em học sinh tham gia tích cực. Bởi các em hiểu được ý nghĩa của hoạt động. đồng thời, đoàn trường cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các em ý thức cộng đồng, tinh thần “tương thân, tương ái”. Hoạt động này đã thực hiện được hơn 18 năm và trở thành một trong những hoạt động mang tính truyền thống của nhà trường. Em Trần Thanh Tú, học sinh lớp 12C Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc) chia sẻ: “Khi tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, em thấy biết ơn, trân trọng những người đã không tiếc máu xương của mình để giữ gìn sự bình yên cho đất nước”.

 Thông qua những thước phim về lịch sử, về đề tài chiến tranh và những bài học lịch sử được học khi ngồi trên ghế nhà trường, những tấm gương thương, bệnh binh vươn lên trong cuộc sống đã làm cho thế hệ trẻ càng tự hào về lịch sử dân tộc.

Những câu chuyện người thật, việc thật, hoàn cảnh cụ thể diễn ra trước mắt đã tác động trực tiếp đến nhận thức của đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, các hoạt động cụ thể như chăm sóc đền thờ liệt sĩ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ cũng là điểm nhấn quan trọng hàng năm đối với hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.

Ph. Hân - Th. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích