Công ty TNHH một thành viên may mặc Thành Kiều vừa khánh thành ngày 19-5-2012. Đây là công ty được vay vốn từ Chương trình tài chính nông thôn của Dự án DBRP Bến Tre với số tiền cao nhất, cho tới thời điểm này (3 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty may mặc Thành Kiều cho biết nguồn vốn vay đã giúp công ty mở rộng quy mô, năng suất và giải quyết lao động tăng từ 80 công nhân lên gần 300 công nhân. Điều đáng ghi nhận là Công ty may mặc Thành Kiều đặt trụ sở tại xã Bảo Thạnh (Ba Tri) và công nhân là con em xã biển này và các xã lân cận.
Thu nhập của công nhân Công ty may mặc Thành Kiều bình quân từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: PY
Ông Bùi Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, ngoài Thành Kiều, Ba Tri còn một số công ty khác, trong đó có Công ty Giày da Tỷ Hùng (Thị trấn) giải quyết việc làm cho trên 1.000 công nhân. Dạy nghề, tạo việc làm là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nên lãnh đạo địa phương luôn rất quan tâm và tạo mọi điều kiện.
Tạo điều kiện để ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) về nông thôn đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm theo kiểu “ly nông không ly hương” đang được tỉnh khuyến khích. Với Dự án DBRP Bến Tre, Quỹ tín dụng nông thôn có tổng vốn 5 triệu USD (vốn vay của IFAD chiếm 80%, còn lại 20% do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - VBARD đối ứng) cũng nhằm mục tiêu này. Quỹ tín dụng này ưu tiên cho nông dân vay vốn sản xuất (lưu động và đầu tư) từ ngắn hạn đến trung hạn, dài hạn (trung, dài hạn chiếm 40% trở lên) cho các cơ sở chế biến và cung cấp tín dụng cho DN nhỏ và vừa nông thôn. Ông Võ Văn Minh - Phó Phòng Tín dụng (VBARD Bến Tre) cho biết, Quỹ tín dụng nông thôn thực hiện theo chế độ lãi suất thương mại của VBARD, nhưng thời hạn vay đa số là trung hạn, dài hạn (từ 2 đến 6 năm) và chủ yếu dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh thực tế để xét duyệt cho vay. Đối tượng được xét duyệt cho vay thuộc đối tượng tài trợ chính của dự án là các cá nhân, tổ nhóm, hợp tác xã, hộ sản xuất/chế biến, DN nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, qua gần 3 năm triển khai, phần lớn đối tượng vay là nông dân khá giả, có tài sản thế chấp. Mặc dù hầu hết các hộ vay đều làm ăn hiệu quả, tăng thu nhập và đặc biệt là giải quyết được nhiều lao động ở địa phương nhưng một số hộ vay vẫn chưa nằm trong chuỗi sản phẩm do dự án hỗ trợ. Để cải thiện tình trạng này, ngày 3-5-2012, Tổng Giám đốc VBARD Việt Nam yêu cầu Giám đốc VBARD Bến Tre rà soát, đánh giá tổng thể tình hình quản lý cho vay đối với nguồn vốn Dự án DBRP và chấn chỉnh, khắc phục ngay các thiếu sót, nếu có; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Dự án DBRP xem xét và ưu tiên cho vay các đối tượng khách hàng do Ban Quản lý Dự án giới thiệu; cho vay tài chính vi mô gia đình và các DN vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị có dự án hỗ trợ các đối tượng cận nghèo; các DN tạo thêm việc làm cho các tổ nhóm thuộc Dự án; các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có người thất nghiệp, hộ có người chủ gia đình là phụ nữ.
Trên cơ sở này, tại cuộc họp mới đây giữa Ban Quản lý Dự án DBRP và đại diện VBARD Bến Tre, Ban Quản lý Dự án đã đề nghị Ngân hàng xét các nhóm đối tượng sẽ được tiếp cận vốn, gồm nhóm DN nhỏ và vừa tham gia trong chuỗi sản phẩm do Dự án đề xuất, các DN tạo được việc làm cho người dân các xã trong vùng Dự án (không phân biệt DN trong hay ngoài vùng dự án muốn giúp người nghèo trong vùng Dự án có việc làm); các tổ nhóm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ do phụ nữ làm chủ trong vùng Dự án. Đặc biệt là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ do phụ nữ làm chủ thông qua sự xác nhận của Dự án DBRP. Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc DBRP cho biết, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bến Tre sẽ làm đầu mối hỗ trợ và tư vấn, hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục đầu tư - kinh doanh cho các DN nông thôn và các nhóm hợp tác để tiếp cận vốn vay. Dự án DBRP sẽ hỗ trợ Trung tâm trong việc xây dựng năng lực cho cán bộ để làm tốt chức năng hỗ trợ DN và các nhóm hợp tác. Dự án DBRP và VBARD cũng sẽ thành lập một nhóm cán bộ hỗ trợ chung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quỹ tín dụng nông thôn và quyết tâm năm 2012 sẽ giải ngân ít nhất từ 1-1,5 triệu USD.