Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18 – 22-5-2020

23/05/2020 - 13:34

Tập trung ứng phó nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại Trung Bộ, Tây Nguyên; giúp doanh nghiệp vượt thách thức, đón thời cơ; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18 – 22-5-2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tập trung ứng phó nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại Trung Bộ, Tây Nguyên

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 601/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.  

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; triển khai kéo dài mạng lưới đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ khu vực nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước,... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước…

Xử lý vướng mắc một số dự án do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu

Chính phủ ban hành Nghị quyết 75/NQ-CP về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Trong đó, Nghị quyết quy định xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ. Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương để hình thành tài sản công và giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng chưa tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 10 Điều 4, Khoản 2 Điều 35, Khoản 3 Điều 60, Khoản 4 Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 97 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-9-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Giúp doanh nghiệp vượt thách thức, đón thời cơ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch COVID-19 gây ra, đón thời cơ, phục hồi kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan liên theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, triệt để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; báo cáo kịp thời các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư; khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là cấp cơ sở.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu cá

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là căn cứ để hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, xây dựng các trung tâm nghề cá lớn; tăng cường công tác quản lý nghề cá; đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch; góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hình thành đầu mối giao thương trong nước và quốc tế.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, của từng người dân thể hiện tính ưu việt của chế độ; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Đến 2025, 55% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến

Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025. Theo đó, về quy mô thị trường thương mại điện tử, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia

Theo Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, việc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng, bảo đảm bí mật, an toàn; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu dự trữ quốc gia; xăng dầu dự trữ quốc gia sau khi xuất cấp phải được bù lại đầy đủ, kịp thời.

Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; không được sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia để kinh doanh; ngoài ra, phải tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hàng năm theo quy định.

Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Công khai, minh bạch mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3339/VPCP-V.I ngày 27-4-2020 của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh... phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện công khai, minh bạch và chất lượng; tránh tình trạng thông đồng, đẩy giá hàng hóa lên cao nhằm trục lợi tiền ngân sách nhà nước.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN