|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Sáng 18-5-2017, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập tiếp đoàn chuyên gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), tư vấn xây dựng chiến lược quốc gia và Đề án Truyền thông về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT).
Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Tổ chức UNICEF và
chuyên viên Cục PCTT đã trao đổi với Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); khả năng cảnh báo xâm
nhập mặn; những khó khăn trong thực hiện truyền thông thời gian qua và làm thế
nào truyền thông thời gian tới đạt hiệu quả hơn.
Trao đổi với đoàn, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm
cứu nạn tỉnh đã giới thiệu khái quát về tình hình ảnh hưởng BĐKH và những giải
pháp ứng phó của tỉnh thời gian qua. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện công tác
tuyên truyền, tập huấn về các loại hình thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống,
sản xuất, từ đó hướng dẫn người dân cách ứng phó cũng như nâng cao ý thức chủ động,
tự định ra giải pháp ứng phó phù hợp với khả năng, điều kiện của hộ gia đình. Đồng
thời, công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa
dạng trên báo, đài, pa-nô, áp phích, tờ rơi, sinh hoạt chi, tổ, hội; nội dung
phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, hạn chế của người dân là không đủ kinh phí thực
hiện. Cơ sở hạ tầng có cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Các hình thức truyền
thông được tập trung nhưng chưa tiếp cận trực tiếp, rộng rãi trong nhân dân.
Cán bộ thực hiện công tác truyền thông còn hạn chế về năng lực, kỹ năng; công
việc chủ yếu kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền. Khả
năng dự báo của tỉnh còn hạn chế…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cảm ơn đoàn đến làm
việc và chia sẻ với tỉnh trong công tác ứng phó BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên
tai thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh
được lãnh đạo các cấp đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo
cấp tỉnh, Phó chủ tịch làm Phó trưởng ban, các ngành là thành viên. Hệ thống
này được tổ chức tới huyện, xã và luôn trong tư thế sẵn sàng, nghiêm túc thực
hiện sự điều động, ứng phó nên công tác chỉ đạo có nhiều thuận lợi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, do đặc thù là tỉnh cuối
nguồn của sông Cửu Long, trước tình hình BĐKH gay gắt, tỉnh xác định hạn hán,
xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng lớn nhất trên địa bàn và các đối tượng dễ tổn thương
nhất là trẻ em, phụ nữ, người già neo đơn. Để ứng phó, tỉnh đã triển khai các
điểm quan trắc trên toàn địa bàn, nhằm theo dõi thường xuyên tình hình triều cường,
độ mặn, đồng thời cung cấp thường xuyên thông tin quan trắc đến lãnh đạo tỉnh,
huyện, xã. Bên cạnh đó, giải pháp hữu hiệu nhất của tỉnh hiện nay là phát động
phong trào Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt trong cộng đồng dân cư, đồng thời
vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ nhân dân, từ đó tạo được
phong trào rộng mạnh, nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện. Kinh phí
tỉnh đầu tư xây dựng các đập tạm, trữ ngọt cục bộ.
Chuyên gia Tổ chức UNICEF đã rất ấn tượng với các giải
pháp và nhờ tỉnh chia sẻ nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo điều hành thời gian
qua. Được biết, sau khi tham vấn các đơn vị liên quan và tổ chức đi thực địa tại
cộng đồng, đoàn chuyên gia sẽ giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT xây dựng “Chiến
lược truyền thông và Đề án truyền thông về giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.