BDK - Thời gian qua, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 (theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ) được tỉnh quan tâm thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ đó dần hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Ba Tri.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung
Hiện diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của tỉnh khoảng 20.882ha, đạt 13,47% so với kế hoạch. Diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn GAP đạt khoảng 5.459,7ha. Diện tích dừa sản xuất hữu cơ 20.781,6ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận 16.535,8ha, đạt 100,39% so với kế hoạch. Hiện nay, diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS (10ha), đã không còn thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diện tích bị suy giảm không còn đủ để thực hiện. Diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 210ha, trong đó 100ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA, JAS, EU tại huyện Thạnh Phú, đạt 200% so với kế hoạch. Diện tích rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS 1,1817ha, đạt 11,81% so với kế hoạch.
Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 88 tổ hợp tác, 78 hợp tác xã, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Các ngành chức năng trong tỉnh đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua việc đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Toàn tỉnh, có 26.905,3ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; có 24 mã số vùng trồng nội địa với diện tích là 640,52ha; đến nay, có 196 vùng trồng được cấp 298 mã số với diện tích 9.460,09ha; 16 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và địa phương có liên quan các chính sách về sản xuất nông sản theo chuỗi, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững, nhất là Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
Chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nông nghiệp hữu cơ, tư vấn hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, kết nối liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo quy định; tiếp tục thực hiện nhân nuôi ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên các vườn dừa sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn tập trung với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích các hình thức sản xuất quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ từ việc phát triển đặc sản bản địa, sản phẩm khai thác từ tự nhiên, sản phẩm OCOP.
Tăng cường các hoạt động liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận OCOP cho sản phẩm hữu cơ, gắn chỉ dẫn địa lý. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, sự kiện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm chứng nhận OCOP cho sản phẩm hữu cơ gắn với thị trường du lịch; tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm hữu cơ, OCOP.
Tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ; tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 11 - 13% tổng diện tích đất nông nghiệp; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ từ 0,2 - 0,5% tổng sản phẩm chăn nuôi bò; diện tích dừa sản xuất hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 là 20.000ha; diện tích bưởi da xanh hữu cơ PGS giai đoạn 2022 - 2025 đạt 50ha; diện tích lúa hữu cơ PGS giai đoạn 2022 - 2025 đạt 50ha; diện tích rau màu hữu cơ PGS giai đoạn 2022 - 2025 đạt 5ha; diện tích nuôi tôm rừng đạt tiêu chuẩn EU Organic giai đoạn 2022 - 2025 đạt 1.000ha; diện tích nuôi tôm lúa đạt tiêu chuẩn ASC giai đoạn 2022 - 2025 đạt 2.000ha.