Chiến thắng 30/4 mang ý nghĩa lịch sử thế giới

30/04/2012 - 20:28
11 giờ 30 ngày 30/04/1975, xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.

Dân tộc ta vui mừng và các nước anh em trong khu vực và trên thế giới cũng hoan hỉ vì một nước Việt Nam tắt lửa chiến tranh, là một đảm bảo cho hòa bình, ổn định trong cả khu vực và trên thế giới.

Năm nay, 2012- lần thứ 37 chúng ta chào mừng Ngày Chiến thắng 30/4. 90 triệu đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng với nhân dân các nước anh em trên thế giới nhớ lại sự kiện lịch sử 30/4/1975.

Ngày chấm dứt hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, ngày hòa bình đầu tiên trở về với mọi gia đình, để tất cả các bà mẹ Việt Nam ở hai miền Nam- Bắc có điều kiện mừng đón con về, chung một Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng bắt tay nhau trong ngày vui thống nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày tỏa sáng một chân lý mà Bác Hồ đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Trong hoàn cảnh thế giới bị phân chia, sau Đại chiến Thế giới II, có những nước lâm vào cảnh bị chia cắt, song nhân dân Việt Nam quyết không chấp nhận số phận đáng buồn ấy. Tinh thần và ý chí sắt đá của dân tộc cùng đoàn kết nhất trí, đã gạt bỏ mọi trở ngại, khó khăn để có một ngày 30 tháng Tư giành được độc lập và thống nhất non sông.

Dân tộc ta vui mừng và các nước anh em bầu bạn trong khu vực và trên thế giới cũng hoan hỉ vì một nước Việt Nam tắt lửa chiến tranh, là một đảm bảo cho hòa bình, ổn định trong cả khu vực và trên thế giới.

Những ngày hòa bình ở Việt Nam cũng từng là khát vọng của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Mỹ.

Chúng ta không thể nào quên trong hàng nghìn ngày chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, đã có cả một phong trào nhân dân thế giới ủng hộ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Từ các nước Bắc Âu đến các nước Trung, Tây Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ đã có hàng chục nghìn cuộc biểu tình ở khắp các châu lục ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh phi nghĩa.

Ở Thụy Điển, chính Thủ tướng Olof Palme cũng đã đích thân dẫn đầu một đoàn biểu tình ủng hộ Việt Nam của nhân dân Thụy Điển.

Phong trào phản đối chiến tranh còn lan ra ngay trong lòng nước Mỹ. Các bà mẹ biểu tình giương lên khẩu hiệu “Ngày hôm nay lại có bao nhiêu trẻ bị giết?”. Các thanh niên biểu tình giương lên câu hỏi “Vì sao chúng tôi phải đến đánh nhau ở Việt Nam?”. Lương tâm người Mỹ đã thực sự lên tiếng. Mạnh mẽ hơn nữa, lại có những nhóm thanh niên vứt trả lại những thẻ quân dịch, thể hiện một tinh thần bất tuân thượng lệnh một cách kiên quyết.

Anh thanh niên Morrison đã tự thiêu ngay trước cửa Lầu Năm góc để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chính những cuộc biểu dương lương tâm thức tỉnh của nhân dân Mỹ đã có tiếng vang lớn, rung động các diễn đàn ở hai viện của Quốc hội Mỹ.

Ngày càng nhiều nghị sĩ thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã đăng đàn nêu những câu chất vấn về chính sách của nhà cầm quyền Mỹ: Cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ tiến hành ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam có lợi gì và có hại gì cho nước Mỹ, cho các gia đình người Mỹ?

Nhiều cuộc tranh luận bùng nổ trong nghị trường cuối cùng đã dẫn đến những tu chính án đòi sửa đổi đường lối chính sách cho được thuận lòng dân, phù hợp với quyền lợi đích thực của các công dân Mỹ.

Chúng ta không quên Ernest Henry Gruening, Thượng nghị sĩ Mỹ từ 1959-1969 là một trong những người đầu tiên đã đứng lên phê phán đường lối hiếu chiến của nhà cầm quyền Mỹ. Ông tán thành những cuộc biểu tình của quần chúng phản đối chiến tranh chống Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Mỹ J.William Fullbright đã liên tục bỏ phiếu chống đường lối đối ngoại của ba đời Tổng thống Mỹ từ Truman, Johnson đến Nixon.

Ông được mệnh danh là nhà biện luận kiên trì quyết liệt bênh vực lập trường chống chiến tranh phi nghĩa ở nước Mỹ.

Cũng cần nói thêm rằng khi qua đời, ông còn hiến một phần vốn cho Quỹ mang tên ông- Quỹ Fullbright- dành để cấp học bổng cho các nghiên cứu sinh người Việt sang Mỹ nghiên cứu sau đại học, góp thêm một viên gạch quý cho quan hệ hợp tác hữu nghị Mỹ- Việt.

Có thể nói, ngày 30/4/1975 đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, ngày thống nhất để phát triển của dân tộc Việt Nam. Cũng là ngày nước Việt Nam độc lập và thống nhất mang đến cho khu vực và thế giới một cơ hội để hòa bình, hội nhập.

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN