Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng lây lan

10/10/2018 - 08:16

Từ giữa tháng 9-2018 đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) bùng phát khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc. Riêng tỉnh có trên 900 ca mắc, giảm phân nửa so với cùng kỳ và đã có một ca tử vong. Theo các chuyên gia nghiên cứu dịch tễ, vi-rút gây TCM có khả năng gia tăng đột biến do chu kỳ phát triển. Do đó, cộng đồng cần chủ động phòng chống để hạn chế bệnh lây lan, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho hay, bệnh TCM gây ra bởi nhóm vi-rút có tên gọi Enterovirus, nhóm này có nhiều chủng nhỏ khác nhau. Trong đó, vi-rút gây bệnh phổ biến nhất là Coxsakievirus A16, vi-rút Enterovirus 71 (EV71) là loại ít hoặc không có dấu hiệu sang thương TCM (không có biểu hiện nổi mụn nước) nhưng có biến chứng nặng làm phù phổi, viêm phổi, ảnh hưởng não, tim có thể dẫn đến tử vong. Đối với trường hợp có biến chứng, bệnh diễn tiến rất nhanh và rất trầm trọng. Nếu qua “thời điểm vàng”, các can thiệp chuyên sâu sẽ không hiệu quả.

Các chủng vi-rút gây bệnh TCM lây nhiễm nếu trực tiếp tiếp xúc nước bọt, dịch mụn nước, dịch tiết mũi họng và phân của người nhiễm bệnh. Bệnh không biến chứng thường khỏi sau 7 - 10 ngày điều trị. Đối với chủng vi-rút EV71 gây ra bệnh có nhiều biến chứng khó lường. Trường hợp ca tử vong được ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trước đó cũng là do chủng vi-rút EV71 gây ra.

Bác sĩ Võ Hồng Khanh - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: Chủng vi-rút EV71 đã lưu hành và từng gây dịch TCM lớn trên cả nước khoảng 6 năm trước. Bệnh TCM là bệnh lưu hành hàng năm có tính chu kỳ. Tuy nhiên, hiện nay do biến đổi khí hậu, tình hình dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt với sự xuất hiện chủng vi-rút EV71 gây biến chứng nặng, có thể gây tử vong cao. Do đó, mọi người cần chủ động phòng ngừa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, trong đó trẻ em là đối tượng nguy cơ cao.

Bà Phạm Thị Xuân Yến - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng mụn nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

“Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM như: sốt cao trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt không hết; thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì; giật mình, hốt hoảng, chới với; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng hoặc run tay, chân co giật; vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân... cần đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế gần nhất”, bà Phạm Thị Xuân Yến nhắc nhở.

Để phòng bệnh TCM, bà Phạm Thị Xuân Yến khuyến cáo cộng đồng cần chú trọng vệ sinh cho người lớn và trẻ em bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Đồng thời thực hiện ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi.

Theo bà Phạm Thị Xuân Yến, phụ huynh, giáo viên ở các trường mầm non hoặc nhóm trẻ không được mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay hay ngậm đồ chơi vì đây là những đường truyền dễ gây bệnh nhất. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập…

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN