Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn năng lượng toàn cầu CERAWeek do S&P Global tổ chức tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ), ông Al Jaber khẳng định đây là thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp từ các bên liên quan, sự thống nhất và đoàn kết trong hành động. Ông nêu rõ đến năm 2030, sẽ có thêm 500 triệu người sống trên Trái Đất, khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên mỗi năm. Trong khi đó, thế giới cần cắt giảm 7% lượng khí thải/năm tương đương với mức giảm 43% trong gần 7 năm để giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.
Ước tính trong năm 2022, thế giới đã đầu tư 1.400 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng, song Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng thế giới cần gấp ba lần số tiền này. Do đó, theo ông Al Jaber, cần có nhiều đóng góp tài chính hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông cũng lưu ý rằng chỉ có 15% khoản đầu tư công nghệ sạch đến được với các nền kinh tế đang phát triển, nơi 80% dân số toàn cầu sinh sống. Đây cũng là lý do cần nghiêm túc xem xét cải cách cơ bản đối với các thể chế tài chính quốc tế và ngân hàng đa phương nhằm tăng cường ưu đãi tài chính, giảm rủi ro và thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn.
Hội nghị COP28 dự kiến diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào cuối năm nay. Trên cơ sở Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, COP28 dự kiến sẽ cung cấp bản đánh giá toàn diện về tiến độ đạt được liên quan các mục tiêu khí hậu, qua đó phản ánh việc thế giới đang đi chệch hướng và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hành động. Khi được hỏi về những kỳ vọng có thể đạt được tại COP28, ông Al Jaber đã nêu bật những mối ưu tiên chính trong vấn đề giảm thiểu, thích ứng, tổn thất và thiệt hại, tài chính khí hậu và đổi mới quy trình. Cụm từ "tổn thất và thiệt hại" trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc đề cập đến các chi phí phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như nước biển dâng cao hoặc nắng nóng cực đoan. Ông Al Jaber một lần nữa khẳng định cần phải có những hành động thực tế để hiện thực hóa các hiệp ước, đưa ra những giải pháp trong và ngoài các cuộc đàm phán chính thức. Ông khẳng định COP28 sẽ là một kỳ hội nghị có sự tham gia của nhiều bên liên quan, nêu bật trách nhiệm giải trình cho các cam kết và đưa ra những giải pháp khả thi.
Bên cạnh đó, Chủ tịch COP28 kêu gọi các nước đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 sớm hơn, đồng thời mở rộng quy mô các biện pháp hiệu quả nhất để đạt mức phát thải ròng khí methane bằng 0 vào năm 2030. Việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ không chỉ tập trung vào việc khử carbon cho các hoạt động khai thác dầu khí, bởi hoạt động sản xuất nhôm, thép, xi măng và nhiều ngành công nghiệp nặng khác cũng chiếm tới 30% lượng khí thải toàn cầu.
Theo nhà tổ chức S&P Global, hơn 7.000 người bao gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà nghiên cứu từ hơn 80 quốc gia và khu vực trên thế giới tham dự diễn đàn CERAWeek kéo dài trong 5 ngày này.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức