Mỹ và Philippines gấp rút củng cố quan hệ trước khi ông Trump nhậm chức

26/11/2024 - 15:57

Từ ngày 18 đến ngày 21-11-2024, Mỹ và Philippines đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua một loạt sự kiện quan trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tham gia cuộc họp báo chung tại Manila vào ngày 30-7-2024. Ảnh: Getty.

Chuỗi các thỏa thuận gần đây giữa Mỹ và Philippines cho thấy nỗ lực từ cả hai chính phủ nhằm nhanh chóng mở rộng hợp tác quốc phòng và củng cố liên minh trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1-2025. Từ ngày 18 đến ngày 21-11, hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua một loạt sự kiện quan trọng.

Ngày 18-11, hai nước ký kết “Thỏa thuận an ninh thông tin quân sự tổng quát” (GSOMIA), mở rộng đáng kể các cơ chế trao đổi thông tin mật an toàn và tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến của Mỹ. Cùng ngày, Trung tâm điều phối chung được khánh thành tại Manila, hỗ trợ phối hợp hoạt động, chia sẻ tình báo và lập kế hoạch nhiệm vụ chung theo thời gian thực giữa quân đội hai nước.

Tiếp đó ngày 19-11, Mỹ tuyên bố cung cấp cho Hải quân Philippines một số lượng không xác định các tàu mặt nước không người lái (USVs), tăng cường giám sát hàng hải nhằm giúp Philippines giám sát hiệu quả hơn lãnh hải của mình trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Cuối cùng, hai nước thông báo thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin, một đơn vị quân đội Mỹ hỗ trợ Philippines trong việc thu thập tình báo, giám sát và trinh sát tại Biển Đông.

Những bước đi này đại diện cho sự mở rộng mang tính bước ngoặt trong quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Philippines, khẳng định cách tiếp cận thống nhất trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Áp lực từ các thay đổi chính trị

Những phát triển này diễn ra trước lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1-2025 và cuộc bầu cử giữa kỳ của Philippines vào tháng 5-2025, cả hai sự kiện đều có thể dẫn đến những thay đổi chính sách làm suy yếu quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Biden đang tận dụng những tháng cuối nhiệm kỳ để củng cố các lợi ích đạt được trong liên minh với Philippines, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược khu vực. Các thỏa thuận như GSOMIA và các sáng kiến quân sự đang được thúc đẩy nhanh chóng để đảm bảo tính liên tục của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bất chấp các thay đổi chính sách có thể xảy ra dưới thời ông Trump.

Về phía Philippines, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng chịu áp lực phải tăng cường năng lực quân sự của nước này trước các mối đe dọa tiềm tàng từ các nước không thân thiện. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 5-2025 có thể làm gián đoạn chính sách đối ngoại của Marcos, khi phe đối lập lập luận rằng sự hợp tác quốc phòng với Mỹ làm gia tăng nguy cơ xung đột với nước khác.

Các bước tiếp theo của chính quyền Biden

Trong những tuần cuối cùng, chính quyền Biden có thể ký thêm các thỏa thuận nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Philippines như việc mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), có thể bao gồm việc thêm các địa điểm mới tại Palawan để triển khai các khí tài quốc phòng của Mỹ; Tăng tốc chuyển giao tàu tuần tra, thiết bị bay không người lái và máy bay giám sát, cùng các chương trình huấn luyện nhanh nhằm nâng cao năng lực hàng hải; Mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung như Balikatan, có thể bổ sung các bài tập bắn đạn thật và kịch bản ngăn chặn hàng hải, với sự tham gia của các đối tác như Nhật Bản hoặc Australia.

Dù ông Trump ít có khả năng hủy bỏ các thỏa thuận hiện tại, chính quyền của ông có thể sẽ đòi hỏi nhiều nhượng bộ hơn từ Philippines, như đóng góp tài chính lớn hơn hoặc cam kết hỗ trợ triển khai vũ khí của Mỹ. Điều này phản ánh cách tiếp cận mang tính "giao dịch" của Trump đối với chính sách đối ngoại.

 Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN