Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định phong hàm Đại sứ bậc II cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. Ảnh: TTXVN
Sau Lễ trao Quyết định, Chủ tịch nước đã có cuộc tiếp các đại biểu tham dự Hội nghị ngoại giao 31.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao 31 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hội nghị tập trung đánh giá thực chất kết quả của công tác đối ngoại thời gian qua kể từ Hội nghị Ngoại giao 30 (năm 2018), chỉ ra cơ hội và thách thức, xác định những yêu cầu của đối ngoại trong tình hình mới, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ này.
Cũng theo Bộ trưởng, dự buổi tiếp của Chủ tịch nước có 74 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đã về nước và 28 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ.
Bên cạnh tham gia tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, các đại sứ, trưởng đại diện sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin và các kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao, phục vụ công tác hội nhập quốc tế và kết nối đối tác của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, thiết thực, cụ thể, đáp ứng các yêu cầu của trong nước tốt nhất.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng 26 đồng chí được phong hàm Đại sứ lần này; khẳng định đây là chức danh ngoại giao cao quý nhất, thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của các cá nhân trong công tác đối ngoại.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, giao nhiệm vụ cho các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh: TTXVN
Nhấn mạnh đến những chỉ đạo quan trọng cần thực hiện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Chủ tịch nước nêu rõ, trong những năm qua, công tác đối ngoại luôn là điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước, trong đó, Bộ Ngoại giao đã góp phần quan trọng, xứng đáng. Đội ngũ cán bộ ngoại giao, đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam đã từng bước trưởng thành, có bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao vì đất nước, có trình độ chuyên môn tốt, chuyên nghiệp...
“Nhìn lại 2 năm đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, ngành ngoại giao đã triển khai thành công ngoại giao trực tuyến, điện đàm, nhờ đó đã góp phần giữ nhịp điều hành, hoàn thành trọng trách năm Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hai năm 2020-2021. Ngoại giao vaccine là điểm sáng, thể hiện sự năng động, sáng tạo của ngành ngoại giao, của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài", Chủ tịch nước khẳng định.
Phân tích bối cảnh khu vực và quốc tế trên thế giới, Chủ tịch nước cho rằng trong quan hệ quốc tế ngày nay, cần đề cao nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở để xử lý các vấn đề đối ngoại. Cùng với đó là thực hiện ngoại giao tâm công, “từ trái tim đến trái tim” thể hiện một cách chân tình, tự tin vào đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của ta.
Chủ tịch nước đề nghị cần tăng cường công tác nghiên cứu và dự báo theo hướng chủ động, mạnh dạn hơn, nhất là trong bối cảnh các nước thay đổi chiến lược thích ứng với COVID-19, cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, tập hợp liên minh, phục hồi kinh tế...
Chủ tịch nước nhấn mạnh đến nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của ngành ngoại giao là giữ vững môi trường hoà bình để có điều kiện phát triển đất nước.
“Không giữ được hòa bình, dù vì bất cứ lý do gì, công tác đối ngoại luôn có phần trách nhiệm rất lớn. Theo đó, trong thời bình lực lượng đối ngoại mà các đồng chí đại sứ ở nước ngoài sẽ là lực lượng xung kích để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, Chủ tịch nước nói.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược nước lớn gay gắt, tập hợp liên minh, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, ngành ngoại giao cần phát huy vai trò “tai mắt,” “ăng ten,” chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá và dự báo: “Nghiên cứu các đối tác cho sâu, hiểu các đối tác cho kỹ, cho đúng về mục tiêu, ý đồ, dự báo hành xử của các nước để ta kịp thời có phương án phù hợp”, Chủ tịch nước lưu ý.
Bên cạnh đó cần phát huy tốt nội lực để gắn kết hiệu quả với hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế, nhằm mở rộng không gian phát triển, tăng thêm nguồn lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững; thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, hợp tác cùng có lợi, đan xen lợi ích.
“Các đồng chí trưởng cơ quan đại diện phải là những đại diện năng động, sáng tạo của một nước Việt Nam hòa bình, giàu tiềm năng phát triển, nhất là đại sứ tại các quốc gia mà ta đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA)”, Chủ tịch nước yêu cầu.
Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần gắn với các địa phương, doanh nghiệp, quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ, truyền thông tốt hình ảnh đất nước, các giá trị văn hoá, tiềm năng phát triển. Cần tiếp tục triển khai hiệu quả ngoại giao vaccine, thúc đẩy, tạo thuận lợi đi lại an toàn trong thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế.
Cùng với đó là nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với song phương để phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia dân tộc. Tiếp nối thành công của các trọng trách đa phương mà Việt Nam đảm nhiệm như Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ngành ngoại giao cần đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước về kế hoạch đăng cai các hội nghị đa phương quốc tế trong 10 năm tới.
Đặc biệt, cần triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36/2004 và Kết luận 12 ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị theo hướng nhấn mạnh đến “trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với kiều bào.”
Nguồn: chinhphu.vn