BDK.VN - Sáng 6-1-2025, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cùng các sở, ngành tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn dự tại điểm cầu tỉnh.
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn, xung đột. Những vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… tác động đa chiều, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và được dư luận quốc tế coi là một trong những “điểm sáng” ở khu vực. Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đáng chú ý, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., đóng góp quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “tăng tốc, bứt phá”, tăng trưởng phải đạt 8%, vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu năm 2025 của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể.
Ngành Ngoại giao giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.
Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới. Hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.