Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Bắc Ninh

07/03/2016 - 07:37

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 6-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, dâng hương tưởng niệm 8 vị vua triều Lý tại đền Đô (phường Đình Bảng) và dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại khu lưu niệm (xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn). Chủ tịch nước cũng đã đi thị sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh, năm 2015, tổng sản phẩm nội địa GRDP trên địa bàn tăng 8,7%, đạt trên 121 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 toàn quốc; thu ngân sách đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, thu nội địa đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, là một trong 13 tỉnh có cân đối về Trung ương. Trong 2 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh đạt 3.400 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 200 triệu USD. Đến nay, Bắc Ninh đã thu hút được 819 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 11,7 tỷ USD. Khu công nghiệp Yên Phong của Bắc Ninh là khu công nghiệp lớn nhất của cả nước tính theo giá trị thu hút vốn đầu tư, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt nhiều kết quả, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của tỉnh là 15,71 tiêu chí/xã, là một trong 10 tỉnh có số tiêu chí đạt mức độ cao trong cả nước, năm 2015 có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới.    

Bắc Ninh luôn đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào giáo dục, là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn cao nhất vùng đồng bằng Bắc bộ; đứng đầu cả nước về kiên cố hóa trường lớp học với 98%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đứng thứ 2 toàn quốc; đứng thứ 4 toàn quốc về chất lượng giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2015.   

Ông Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, tỉnh đã xây dựng kế hoạch bầu cử, thực hiện các công việc bảo đảm đúng trình tự và thời gian quy định, tổ chức hiệp thương lần 1, phân chia đơn vị bầu cử, dấn định danh sách đơn vị bầu cử, số địa biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử (bầu 7 đại biểu tại 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu 54 đại biểu tại 14 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh, số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu là 292, cấp xã là 3.388 đại biểu). Cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đảm bảo các tỷ lệ theo quy định và sự định hướng, chỉ đạo của cấp trên.    

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng những năm gần đây, Bắc Ninh đã có bước phát triển nhanh, diện mạo thay đổi lớn. Từ một tỉnh nông nghiệp, Bắc Ninh có sự chuyển mình nhanh chóng với tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm tới 95%, cơ cấu nông nghiệp giảm chỉ còn 5%, đời sống nhân dân được nâng cao. Phân tích bối cảnh tình hình thế giới và trong nước sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục đổi mới tư duy, sáng kiến mang tính sáng tạo, đột phá, tiếp thu ý kiến trí tuệ của các chuyên gia để có định hướng tốt, có những bước tiến vững chắc, xây dựng tỉnh giàu, đẹp, văn minh, hiện đại. Tỉnh cần khẩn trương rà lại sản phẩm, rà lại doanh nghiệp, tổng thể kinh tế của địa phương, nâng thể trạng doanh nghiệp trong nước phát triển, tăng dần số doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị nội địa hoá. Lựa chọn công nghiệp phụ trợ suất đầu tư thấp để làm triển khai, không cầu toàn, dần dần tích tụ vốn để tái sản xuất, mở rộng.    

Đặc biệt nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, Chủ tịch nước cho rằng Bắc Ninh một mặt cần rà soát chính sách, mặt khác tổ chức để các trường nhanh chóng có đội ngũ thợ cung cấp cho doanh nghiệp trong và ngoài nước về công nghiệp phụ trợ, nhất là đội ngũ thợ lành nghề. Đây là công việc không hề đơn giản, là đặc trưng đậm nét của hội nhập trong 5 năm tới. Việt Nam hiện thừa lao động nhưng thiếu người làm, không thể hài lòng với con số vài chục phần trăm được học nghề bởi nhiều nghề không thể đi làm công nghiệp phụ trợ được. Làm sao chuẩn bị trong thời gian rất ngắn để nền kinh tế thích ứng với tiêu chí cao trong hội nhập với ASEAN, TPP và một loạt các đối tác khác.   

Chủ tịch nước cũng lưu ý Bắc Ninh bên cạnh phát triển công nghiệp cần tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp một cách hài hòa, có chính sách để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hóa gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII thật tốt, kiện toàn về tổ chức bộ máy và con người để biến Nghị quyết thành hiện thực, đáp ứng sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân. Tỉnh chuẩn bị thật tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sắp tới.    

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã đi thị sát mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn DABACO. Tập đoàn DABACO Việt Nam có trên 40 đơn vị thành viên, 5.000 cán bộ công nhân viên lao động, hoạt động trên 8 lĩnh vực gồm: chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất giống gia súc, gia cầm; chăn nuôi tập trung; chế biến thực phẩm; thương mại - dịch vụ; bao bì; rau an toàn ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm chiếm ưu thế và là một trong số rất ít các doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F - từ trang trại tới bàn ăn (từ sản xuất con giống, chăn nuôi tập trung, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chế biến thực phẩm và phân phối sản phẩm). Trong những năm qua, Tập đoàn DABACO Việt Nam đã liên tục đầu tư mở rộng qui mô sản xuất và lĩnh vực hoạt động, vươn lên vị trí các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến, được hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) bình chọn nằm trong Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2015.   

Ghi nhận Tập đoàn DABACO đã có những thành công trong sản xuất con giống, chăn nuôi gia công và sản xuất thức ăn gia súc, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, Chủ tịch nước nêu rõ, trong giai đoạn mở cửa, hội nhập, nông nghiệp là lĩnh vực luôn chịu sức ép lớn nhất về sức cạnh tranh, cần có hệ thống chính sách để nông nghiệp Việt Nam đứng vững trên chính thị trường Việt Nam. Quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp phải thích ứng với xu hướng tự do hóa thương mại theo tiêu chí cao. Nhà nước phải có chính sách về khoa học công nghệ đi liền với chính sách tín dụng để doanh nghiệp sống và phát triển. Hội nhập kinh tế cao, nền kinh tế Việt Nam phải “lột xác” để cạnh tranh được với các nước, trước mắt là 10 nước trong ASEAN.   

Chủ tịch nước cho rằng Bắc Ninh cần bám vào những mô hình thực tiễn, tổng kết, rút ra những vấn đề cơ bản nhất trong tổ chức phát triển con gà, con lợn, thức ăn chăn nuôi, hoàn thiện mô hình, cải sửa phù hợp bởi đó là chính nội hàm của tái cơ cấu nền nông nghiệp. Từ mô hình của DABACO, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo nhân ra nhiều mô hình khác, phát triển theo tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao.    

Chủ tịch nước cũng đã đi thị sát và tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Crucialtec Vina tại Khu công nghiệp Yên Phong. Đây là công ty đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất phím điều hướng quang học của điện thoại và thiết bị phát thu tín hiệu với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, tạo việc làm cho 1.800 lao động. Năm 2015, Công ty đạt doanh thu 3.751 tỷ đồng, nộp ngân sách 13 tỷ đồng./.   

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN