Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bến Tre năm học 2019-2020.
Chị Minh Khoa - công chức nhà nước chia sẻ, việc áp dụng chương trình giáo dục mới trong năm học này là nỗi lo lắng lớn nhất. Bản thân chị chưa có thời gian tìm hiểu trước cũng như chưa cho bé tiếp cận với chương trình nên sợ bé không theo kịp chương trình ở bậc học mới. Sắp tới, khi nhà trường có thông báo về sách giáo khoa chị sẽ đăng ký mua tại trường.
Suốt thời gian hè, chị Minh Khoa chủ yếu tự rèn cho bé nhận biết cơ bản về các chữ cái, các phép tính đơn giản trên cơ sở tham khảo ý kiến nhiều phụ huynh có con học lớp 1 trước đó để khi vào chương trình chính thức bé không quá bỡ ngỡ. “Bản thân mình lo lắng không biết chương trình sách mới như thế nào, có thể kèm thêm được cho con không. Chính điều này, mình và gia đình rất áp lực, vì ai cũng hiểu được tầm quan trọng của lớp 1 là nền tảng cho các lớp, cấp học sau”, chị Minh Khoa bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn việc ở bán trú của con. “Học bán trú thì mình đỡ vất vả nhưng hiện nay tình hình dịch Covid-19 còn diễn ra ở một số địa phương nên mình cũng hơi lo lắng. Tuy nhiên, với sự quan tâm chuẩn bị tốt công tác phòng chống của trường, mình cảm thấy an tâm hơn” - một phụ huynh có con đăng ký học tại Trường Tiểu học Phú Thọ (TP. Bến Tre) cho hay.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy chia sẻ: Chương trình giáo dục mới thì đối với lớp 1 sử dụng nhiều bộ sách nên việc dạy học, kiểm tra đánh giá và thi phải theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào các ngữ liệu cụ thể trong sách giáo khoa. Đây cũng là tinh thần của một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực. Hiện nay, thực hiện dạy theo chương trình kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra của học sinh. Cho nên, dù các trường có sử dụng các bộ sách khác nhau nhưng nội dung kiến thức sẽ kiểm tra đánh giá chương trình kiến thức kỹ năng, chứ không kiểm tra theo nội dung bộ sách giáo khoa. Cách đánh vần cũng không khác so với trước đây. Vì vậy, cha mẹ học sinh cũng an tâm.
Giai đoạn bé từ bậc học mầm non sang tiểu học, nhất là đầu năm lớp 1 sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi về môi trường sinh hoạt và học tập. Bậc học mầm non, các hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo thì khi vào lớp 1, hoạt động học tập lại là hoạt động chính. Lên lớp 1 phương thức học tập đòi hỏi tính kỷ luật, khả năng và tốc độ tư duy cao hơn. Vì vậy, bé bỡ ngỡ là không tránh khỏi.
Trước hết các bậc phụ huynh cần hỗ trợ các con sẵn sàng hòa nhập với môi trường học tập mới bằng cách giúp các con làm quen dần thông qua việc làm quen với dụng cụ học tập, sách vở, bút giấy, tham quan trường tiểu học, giao lưu với anh chị lớp 1… Tuyệt đối tránh gây áp lực cho con, hãy luôn đồng hành cùng với con, lắng nghe con để con cảm thấy yên tâm. Quan trọng nhất vẫn là khơi dậy được niềm đam mê hứng thú cho bé.
Vào lớp 1 các con sẽ gặp gỡ bạn bè, thầy cô giáo mới, phải tự lập trong một số hoạt động cá nhân. Do đó, phụ huynh cần giúp các con rèn luyện dần các kỹ năng này để tránh các con cảm thấy xấu hổ với bạn khi chưa làm được, gây tâm lý sợ hãi… “Để đảm bảo an toàn cho con trong năm học mới, phụ huynh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao việc học tập của các bé để có thể phát hiện kịp thời những khó khăn mà bé gặp phải để tạo cho bé hứng thú và ý thức cao với việc học tập ngay từ những ngày đầu đến lớp”, bà La Thị Thúy lưu ý.
“Theo các chuyên gia tâm lý, để trẻ có thể tự tin tiếp xúc với môi trường học tập mới, phụ huynh hãy là một người bạn đồng hành cùng bé chuẩn bị cho chặng đường vào lớp 1, đừng quá lo lắng mà tạo áp lực cho trẻ, hãy khiến trẻ nhận ra rằng việc học tập là rất cần thiết”.
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)
|
Bài, ảnh: Phan Hân