Lực lượng đoàn viên, thanh niên đến thăm hỏi, khám sức khỏe, tặng quà cho ông Huỳnh Văn Lâm, cựu chiến binh Đoàn tàu không số tại xã Thạnh Phong (Thạnh Phú). Ảnh: Thanh Đồng
Phong trào Đồng khởi 17-1-1960 đã làm rung chuyển chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm nhanh chóng lan tỏa khắp miền Nam. Đây là bước tiến nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên diệt ác phá kềm, mở rộng vùng giải phóng. Nhưng vấn đề cấp bách được đặt ra là phải phát triển lực lượng vũ trang đủ mạnh để hỗ trợ cho lực lượng chính trị. Không thể dựa vào số vũ khí thô sơ hiện có của Đồng khởi và số lấy của địch để phát triển quân giải phóng, mà phải dựa vào hậu phương miền Bắc. Mặc dù đường Trường Sơn đã mở thông suốt đến miền Đông Nam Bộ nhưng không thể đáp ứng yêu cầu vũ khí cho phát triển lực lượng vũ trang, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, nếu đi đường Trường Sơn, mỗi người chỉ mang được 20kg, đi 6 tháng mới tới miền Đông, chưa nói chất lượng vũ khí và tiêu hao lực lượng trên đường đi.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách đó, Bộ Chính trị chủ trương cho Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu mở con đường biển, bí mật vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là chủ trương táo bạo, đúng đắn, kịp thời, rất sáng suốt mà trên thế giới trong các cuộc chiến tranh chưa có tiền lệ. Vì nếu sử dụng tàu chở được 100 tấn vũ khí đi trong 5 - 6 tháng đến nơi với 14 người vào được bến sông miền Nam an toàn thì số vũ khí đó trang bị cho trên 2 trung đoàn chủ lực với khoảng 6 ngàn quân. Hiệu quả cao rất nhiều lần đi trên đường bộ và chất lượng giữ được nguyên vẹn, giảm rủi ro và hy sinh cho bộ đội.
Để đảm bảo thành công, Quân ủy Trung ương và Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo cho tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa, khẩn trương chuẩn bị thuyền vượt biển. Trinh sát nắm tình hình địch hoạt động trên Biển Đông, từ địa phương các tỉnh ra miền Bắc để làm cơ sở quyết định mở đường chiến lược “Độc nhất vô nhị” trên thế giới. Với tinh thần chỉ đạo, dùng phương tiện đánh cá ven bờ của ngư dân địa phương cải trang hợp pháp. Bố trí cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, đã qua chiến đấu, có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, có kinh nghiệm đi biển, không say sóng, nắm chắc địa hình ven biển, đặc điểm của các cửa sông, rạch địa phương để làm hoa tiêu khi tàu đưa vũ khí vào đến bờ.
Thực hiện chủ trương trên, đầu năm 1961, các tỉnh đồng loạt triển khai chuẩn bị. Riêng tại Bến Tre, tháng 3-1961, Khu ủy cử đồng chí Mười Khướt là Khu ủy viên cùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Định trực tiếp tổ chức chỉ đạo tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Thời gian đi thống nhất chọn “Giáp mùa”, tức hết mùa gió Đông Bắc và đầu mùa gió Tây Nam vì thời gian này biển lặng, bắt đầu có gió Tây Nam, dùng buồm chạy xuôi gió kết hợp với máy rất thuận lợi. Đồng thời, tránh được mưa bão. Vì là phương tiện thô sơ, không hải đồ, không la bàn, không dụng cụ đảm bảo nên phải dự vào trăng, sao, nhất là sao bắc đẩu, dựa vào mặt trời và dãy núi Trường Sơn mà đi. Gặp tàu địch thì thả lưới đánh cá, tàu địch đi qua lại tiếp tục hành trình. Về đối sách trên đường đi gặp ngư dân hoặc gặp tàu ngụy kiểm tra, kể cả ra đến miền Bắc khi chưa gặp các đồng chí Trung ương thì nhất quán trả lời “Chúng tôi dân đánh cá bị gió bão trôi dạt và hết dầu”.
5 giờ chiều ngày 1-6-1961, tại khu rừng vắng của ấp Cồn Tra có con thuyền mang bí danh 106 NB cùng 6 đồng chí lặng lẽ, âm thầm rời đất liền, chỉ có một người chỉ huy vẫy tay tiễn đưa, chúc mừng thắng lợi, mang được nhiều súng đạn trở về. “Qua 10 ngày lênh đênh trên biển cả, tuy nhiều khó khăn, vất vả ập đến, nhưng với lòng quyết tâm, kiên quyết phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt mà Đảng và nhân dân giao phó, cuối cùng chúng tôi cũng ra được tới miền Bắc an toàn”, đồng chí Nguyễn Văn Đức kể.
Ngày 17-8-1961, sau thời gian chuẩn bị, thuyền Bến Tre 2 lên đường, qua 8 ngày hành trình ra miền Bắc an toàn, được Ban Thống nhất Trung ương đưa về cùng ở số 103 Quang Thánh. Ngày 2-9-2961, cả hai đội cùng họp mặt, tham dự lễ duyệt binh ở khán đài B, quảng trường Ba Đình - Hà Nội.
Những đoàn tàu không số qua 14 năm hoạt động đã đưa được hàng chục tấn hàng vũ khí, thuốc men và hàng ngàn cán bộ chỉ huy tăng cường cho chiến trường. Trong đó, riêng tỉnh nhà là một trong những cái nôi đầu tiên mở đường và tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí, cũng là đầu mối chuyển tải vũ khí lên miền Đông. Những địa danh quen thuộc như: Khâu Băng, Khém Thuyền, Eo Lói, Cả Bảy, Cồn Lợi... là những nơi che chở, cất giấu những con tàu không số, cũng là vùng biển có 3 con tàu vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển khơi mà không có ngày trở lại. |
Kỳ 4: Trung tướng Hoàng Phi Hổ - Tư lệnh Quân khu 9 đánh giá về những hoạt động của “Đoàn tàu không số” từ đầu cầu Bến Tre.
Hữu Hiệp (tổng hợp)