Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo bà von der Leyen, việc các quốc gia phát triển cam kết chi ít nhất 300 tỷ USD/năm, từ nay đến năm 2035, sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài "sẽ thúc đẩy đầu tư vào quá trình chuyển đổi sạch, giảm phát thải và xây dựng khả năng thích ứng trước Biến đổi Khí hậu."
Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định Liên minh châu Âu (EU) “sẽ tiếp tục dẫn đầu, tập trung hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất".
Tuy nhiên, các nước nghèo nhất - vốn chịu nhiều tác động của Biến đổi Khí hậu, cho rằng cam kết đóng góp ít nhất 300 tỷ USD/năm của các nước phát triển - cũng là những nước gây ô nhiễm nhất, là quá thấp. Đại biểu Ấn Độ Chandni Raina cho rằng đây chỉ là “một số tiền nhỏ”, không thể “giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt."
Bộ trưởng Khí hậu Sierra Leone Jiwoh Abdulai nhấn mạnh thỏa thuận cho thấy "sự thiếu thiện chí" của các nước giàu khi hỗ trợ những nước nghèo nhất thế giới - vốn phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng và hạn hán khắc nghiệt hơn.
Trước đó, khi đến Baku, các nước đang phát triển hy vọng sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính của các nước giàu cao gấp nhiều lần so với cam kết hiện tại là 100 tỷ USD/năm.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cho rằng thỏa thuận tài chính khí hậu vừa đạt được tại COP29 là "chưa đủ tham vọng." Ông kêu gọi các quốc gia coi đây là nền tảng để xây dựng các cam kết khí hậu tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải "tuân thủ đầy đủ và đúng hạn" thỏa thuận này.
Cũng theo người đứng đầu Liên hợp quốc, các quốc gia cần đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới trước khi diễn ra COP30 như đã cam kết.
Nguồn: Vietnam+