Ngày 11-11-2024, gần 200 quốc gia tham gia Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã nhất trí các tiêu chuẩn mới của Liên hợp quốc (LHQ) về thị trường carbon quốc tế.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị COP29 ở in Baku, Azerbaijan ngày 11-11-2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Bước đột phá ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường hoàn chỉnh trong tương lai gần.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev ca ngợi "bước đột phá" này nhưng cho biết cần phải nỗ lực hơn nữa. Theo đó, một số quy tắc cơ bản quan trọng để đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, trong khi các khía cạnh quan trọng khác của khuôn khổ chung, như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị vẫn cần được đàm phán.
Tín dụng carbon là một đơn vị đo lường trị giá một tấn khí CO2 hoặc khí nhà kính tương đương, mà một tổ chức hoặc cá nhân đã ngăn ngừa hoặc loại bỏ. Hệ thống tín dụng carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể bán tín dụng carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác. Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, LHQ đã xây dựng các quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín dụng trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy. Hiện các hoạt động tín dụng carbon tự nguyện vấp phải nhiều bê bối do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Các tiêu chuẩn được thông qua tại Baku sẽ cho phép phát triển các quy tắc bao gồm tính toán số lượng tín dụng mà một dự án nhất định có thể nhận được.
Các chuyên gia đánh giá tiêu chuẩn đạt được ở COP29 là cực kỳ quan trọng. Ông Gilles Dufrasne thuộc nhóm nghiên cứu Thị trường Carbon nhận biết việc thống nhất này sẽ đưa hệ thống tiến gần hơn một bước nữa đến việc thực sự tồn tại.
Mặc dù vậy, các nhà hoạt động môi trường cũng lưu ý rằng điều quan trọng và cấp thiết nhất với Trái Đất hiện nay là giảm lượng khí thải thực chất, chứ không phải sử dụng một loại tín dụng để đạt mục tiêu đã cam kết.