BDK.VN - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22-11-2024, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu thảo luận tổ.
Tham gia thảo luận tại Tổ số 9 gồm các ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Bến Tre, Phú Yên và Hòa Bình, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp (DN) là một trong những trụ cột chính góp phần phát triển kinh tế và đóng góp cho ngân sách quốc gia, địa phương.
Quốc hội cũng đã và đang sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật để tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho DN hoạt động. Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN lần này diễn ra trong bối cảnh Nhà nước đang ban hành nhiều chính sách đặc thù, khuyến khích nhiều lĩnh vực đầu tư, do đó, việc sửa đổi Luật lần này cần quy định sâu sắc và rõ hơn, đặc biệt, cần phải làm rõ những nguyên tắc trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập DN.
Thứ nhất, theo đại biểu, việc đánh thuế thu nhập DN cần căn cứ vào các tiêu chí như: Phạm vi, lĩnh vực, ngành nghề DN đang hoạt động (có những ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư), địa bàn hoạt động (có đang hoạt động ở những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay là vùng kinh tế - xã hội khó khăn), DN đang đầu tư trong những khu kinh tế, khu công nghiệp hay là khu chế xuất trước đây…
Những DN đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, khu vực, địa bàn khó khăn thì phải quy định mức thuế thu nhập DN phải rõ, cụ thể.
Thời gian qua chúng ta khuyến khích mức thuế suất 10%, 15% trong thời hạn ưu đãi áp dụng 15, hay 10 năm, sau đó áp mức thuế bình thường 20%; đại biểu đề nghị phải rà soát, làm rõ lĩnh vực nào tiếp tục ưu đãi, lĩnh vực nào phát sinh mới, lĩnh vực nào thôi…. và tuân thủ những nguyên tắc nhất quán các chính sách thuế mà chúng ta đã cam kết.
Thứ hai, đối với nhóm DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ (chiếm 95% lực lượng DN ở nước ta) thì trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có đưa ra các nguyên tắc ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho nhóm DN này, đại biểu đề nghị Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi lần này phải rà soát, đối chiếu để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa hai luật, nhất là khi chia quy mô, doanh thu của DN.
Thứ ba, về thu nhập được miễn thuế (Điều 4); về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập DN (Điều 12), đại biểu thấy những ngành nghề, lĩnh vực được miễn thuế thu nhập DN quy định tại các điều này có một số ngành, nghề gắn liền với khu vực nông thôn.
Hiện nay, nhiều tỉnh tỷ lệ nông thôn còn rất cao, như ở tỉnh Bến Tre nông thôn còn trên 70%, đối với khu vực nông thôn thì việc đầu tư cung cấp nước sạch cho người dân là một nhu cầu thiết yếu, nước sạch là một mặt hàng thiết yếu nhưng đây cũng là một vấn đề lớn vì khu vực nông thôn địa bàn rộng, dân cư phân tán nên khó kêu gọi đầu tư nếu không có chính sách ưu đãi đủ mạnh. Nếu để DN tự đầu tư và bán nước sạch với giá cao thì sẽ ảnh hưởng quyền lợi của người dân.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch nông thôn vào nhóm các ngành, nghề được giảm thuế thu nhập DN để khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần đáp ứng nhu cầu, đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch cho người dân khu vực nông thôn.
Liên quan đến khu vực nông thôn, một ngành, nghề khác cũng cần được quan tâm cho hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập DN là hoạt động sản xuất cây giống, con giống.
Tỉnh Bến Tre là trung tâm sản xuất giống, cây ăn trái cho cả nước, và thậm chí cả xuất khẩu ra nước ngoài, đây là lĩnh vực cũng cần được ưu đãi để khuyến khích các DN đầu tư phát triển, cung ứng cho thị trường các sản phẩm cây giống, con giống đảm bảo chất lượng, phục vụ nền nông nghiệp chất lượng cao.
Thứ tư, đại biểu rất quan tâm việc tính và thu thuế đối với nhóm đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể. Theo đại biểu, hiện nay một tỉnh bình quân có khoảng 4 ngàn DN, trong khi số hộ kinh doanh cá thể khá nhiều, trung bình 50 đến 60 ngàn hộ, mức thuế đóng thường là thuế khoán, chưa phản ánh đúng bản chất kinh doanh và doanh số, có hộ kinh doanh thu nhập hàng trăm triệu đồng/ngày hoặc hàng tỷ đồng/ tháng nhưng chúng ta chưa có một cơ chế nào rõ để thu chính xác đối tượng này, hầu hết áp dụng cơ chế nộp thuế khoán.
Rất nhiều hộ kinh doanh này thực chất hoạt động như là một DN nhỏ, siêu nhỏ, nhưng theo luật họ không muốn chuyển lên DN vì e ngại phải tuân thủ quy định về chế độ kế toán phức tạp, thứ hai là không muốn nộp thuế thu nhập DN.
Dù được tuyên truyền, vận động, giải thích cho các hộ kinh doanh thấy được các lợi ích cụ thể khi chuyển đổi lên loại hình DN như có tư cách pháp nhân, có thể thực hiện hợp đồng giao dịch chính quy hơn, mở rộng phạm vi kinh doanh, giao dịch, hóa đơn, một số ưu đãi hỗ trợ DN…nhưng do chúng ta chưa thể hiện rõ thành luật nên hộ kinh doanh không muốn lên DN.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể đưa ra các quy định vừa khuyến khích, vừa đưa các hộ kinh doanh cá thể này vào quỹ đạo kinh doanh, quy định mức thuế phù hợp để tuân thủ đóng thuế công bằng, kiểm soát thuế tốt hơn.
Thứ năm, đại biểu đề nghị chính sách ưu đãi về thuế khi DN mở rộng đầu tư cần phải quy định cho rõ ràng, chặt chẽ. Hiện nay, trong các khu công nghiệp, nếu đầu tư dự án mới theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chủ trương đầu tư thì DN được miễn, giảm trong thời gian cụ thể nhưng khi mở rộng đầu tư thì phải hạch toán riêng để được hưởng ưu đãi thuế, thực tế quản lý thuế cũng khó cho các trường hợp như vậy, đề xuất có cách tính thuế phù hợp hơn.
Đại biểu đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đặt vấn đề là nên cho nhập chung vào dự án của họ để tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo dự án chính.
Đại biểu cũng lưu ý khi thời gian ưu đãi thuế đã hết mà ngành, lĩnh vực đầu tư còn ưu đãi, khuyến khích thì nên xem xét tính mức thuế phù hợp, chứ không phải mức bình thường (hiện nay là 20%).
Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư thì DN nước ngoài thường đầu tư theo từng giai đoạn và có mục tiêu rõ nên khi có mở rộng đầu tư thì tính thuế cho rõ ràng; vì vậy, cần nghiên cứu quy định hết sức chặt chẽ.
Cuối cùng, đối với loại hình DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như hiện nay chúng ta đang khuyến khích, đại biểu đề xuất nên áp dụng một mức thuế thu nhập DN và thời gian miễn, giảm phải hết sức ưu đãi để khuyến khích các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp.
Ngoài ra, các đối tượng như các DN có thương hiệu quốc gia, DN dẫn đầu ở các địa phương…đại biểu đề nghị cũng nên nghiên cứu chính sách thuế suất phù hợp để có thể khuyến khích họ nghiên cứu, đầu tư phát triển sản xuất, DN.