COVID-19 tới 6 giờ sáng 10-7-2020: Thế giới có thêm 212.000 ca mắc; cảnh báo về những làn sóng dịch mới

10/07/2020 - 07:04

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 212.000 trường hợp mắc COVID-19 và trên 5.000 ca tử vong. Tình hình cho thấy nhiều nước đang xảy ra làn sóng dịch bệnh mới.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 10-7-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca COVID-19 toàn cầu là trên 12,3 triệu, trong đó có trên 556.000 ca tử vong.

Ba nước đứng đầu thế giới về số ca mắc trong 24 giờ qua là Mỹ (trên 55.000 ca), Brazil (trên 39.000 ca) và Ấn Độ (25.803 ca). Các nước ghi nhận số ca mắc cao trong 24 giờ qua còn có Nam Phi (13.674 ca), Mexico (gần 7.000 ca) và Nga (6.509 ca).

Về số ca tử vong, Brazil là nước có nhiều người chết nhất trong 24 giờ qua với 1.129 người. Tiếp theo là Mỹ (818 người) và Mexico (782 người).

Trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng, ngày 9/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ thành lập một ủy ban độc lập nhằm đánh giá cách thức xử lý COVID-19 của tổ chức này, cũng như công tác phòng chống dịch của chính phủ các nước.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà hàng ở Houston, Texas, Mỹ ngày 2/7. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà hàng ở Houston, Texas, Mỹ ngày 2/7. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 194 nước và vùng lãnh thổ thành viên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ell Johnson Sirleaf đã đồng ý đứng đầu ủy ban trên và sẽ lựa chọn các thành viên. Ông Ghebreyesus cũng cho biết ủy ban này sẽ cung cấp một báo cáo sơ bộ cho cuộc họp thường niên của các Bộ trưởng Y tế dự kiến sẽ được triệu tập vào tháng 11 tới.

Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng đề cập tới việc hồi tháng 5 vừa qua, các nước thành viên của WHO đã nhất trí thông qua nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU), trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về cách thức xử lý của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.

Mỹ ghi nhận trên 55.000 ca bệnh

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 4/7. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 4/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới 6 giờ sáng 10/7 (giờ Việt Nam), với trên 3,2 triệu ca mắc và trên 135.000 ca tử vong, Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh này. 

Số ca mắc COVID-19 đang tăng cao trở lại tại nhiều bang "điểm nóng" ở miền Nam, trong đó có Texas, Florida, Louisiana và Arizona, trong khi giảm mạnh tại những nơi từng là tâm dịch như bang New York và các bang vùng Đông Bắc. 

Đặc biệt, thành phố Tulsa thuộc bang Oklahoma, nơi Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày. Trong hai ngày qua, Tulsa ghi nhận gần 500 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên 4.571 ca. Theo giới chức địa phương, khoảng 6.200 người đã tham gia sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Trump và phần lớn đều không đeo khẩu trang.

Độ tuổi mắc COVID-19 ở Mỹ đang có xu hướng trẻ hóa. Số ca nhiễm mới ở Florida có độ tuổi trung bình 35, trong khi 50% số ca nhiễm mới ở thành phố Phoenix thuộc bang Arizona dưới 35 tuổi. Nhiều bang đã buộc phải tạm ngừng các kế hoạch nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế, thậm chí phải đóng cửa trở lại để ngăn chặn dịch lây lan.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố có tiến triển trong việc mở cửa trở lại hoạt động đi lại với Liên minh châu Âu (EU), song ông không nêu ra thời gian cụ thể. Về phần mình, EU đã từ chối cho Mỹ vào danh sách các quốc gia an toàn mà công dân được phép tới EU. Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ và EU đang thảo luận "các thủ tục và quy tắc" để có thể nối lại hoạt động đi lại giữa hai bên.

Cảnh báo làn sóng dịch mới ở nhiều nơi

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 2/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 2/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần lượt các quốc gia và vùng lãnh thổ chịu tác động mạnh nhất của COVID-19 đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 hoặc thứ 3. Điều này càng chỉ ra rằng rất khó kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh ngay cả khi áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới hoặc cách ly từng phần.

Trong tuần này, thành phố lớn thứ 2 tại Australia là Melbourne đã tái áp dụng tình trạng phong tỏa trong bối cảnh lần đầu tiên trong 100 năm qua chính phủ liên bang phải ngừng các tuyến kết nối giữa bang Victoria và bang New South Wales. Trong khi đó, tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), giới chức đang cố kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ 3 sau nhiều tuần không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Dù so sánh với những số ca nhiễm mới được ghi nhận tại các quốc gia đang là điểm nóng của dịch bệnh thế giới như Mỹ hay một số vùng ở Tây Âu thì số ca mắc mới hàng ngày ở Australia và Hong Kong không thấm vào đâu, nhưng những diễn biến trên phần nào làm dấy lên những lo ngại về ngày mà thế giới có thể trở lại bình thường, chỉ ra thực tế rằng sẽ rất khó để duy trì kiểm soát dịch bệnh ngay cả ở trong những hoàn cảnh tốt nhất.

Cũng giống như Australia và Đặc khu Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Singapore và Israel những ngày gần đây đều ghi nhận một làn sóng lây nhiễm mới sau khi tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh. Điều may mắn là tại các vùng chịu ảnh hưởng, nguy cơ lây nhiễm ở mức khá thấp và giới chức y tế đã phản ứng nhanh nhạy hơn để kiểm soát tốc độ lây lan.

Melbourne đặc biệt áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, tăng cường hạn chế khi số ca mắc mới trong tháng này gia tăng mỗi ngày. Từ ngày 9/7, người dân tại thành phố này không được rời khỏi nhà nếu không vì những lý do đặc biệt như đi mua nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế, tập thể dục hay đi làm. Các quán cà phê và nhà hàng chỉ vừa mới mở cửa trở lại cách đây vài tuần nay lại phải hạn chế những dịch vụ thông thường và chỉ được phép bán hàng mang đi hoặc giao hàng tận nơi. Các cơ sở làm đẹp và các địa điểm giải trí cũng tạm đóng cửa. 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Đặc khu Hong Kong cũng đang cân nhắc áp dụng trở lại một số biện pháp hạn chế nhất định sau nhiều tuần nới lỏng và trở lại nhịp sống bình thường. Chính quyền Hong Kong liên tục kêu gọi người dân nâng cao ý thức đeo khẩu trang, vệ sinh phòng dịch và tôn trọng quy định giãn cách xã hội.

Thực tiễn phòng dịch khắt khe tại các quốc gia từng khống chế được virus càng chỉ ra rằng Mỹ đang đứng trước một mối nguy lớn với việc cố gắng khôi phục cuộc sống bình thường khi vẫn đang trong làn sóng dịch bệnh thứ nhất. Australia, Hong Kong và nhiều khu vực khác ở châu Á có thời gian ứng phó dịch bệnh sớm hơn Mỹ vài tháng. Những gì đã diễn ra ở các nơi này cho thấy việc tránh nguy cơ lây nhiễm là điều vô cùng khó khăn ngay cả khi có những điều kiện hoàn hảo như người dân rất tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch, ý thức cao về việc đeo khẩu trang. 

Châu Á:

Nhật Bản: Số ca nhiễm mới ở Tokyo cao nhất trong một ngày

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 3/7. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 3/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 9/7, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận 224 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thành phố này. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch COVID -19 bùng phát.     

Khoảng 80% số ca mới này là người ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết hiện chưa cần tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Tính đến ngày 9/7, tổng số ca nhiễm ở Tokyo là 7.272 người, trong khi tổng số ca nhiễm ở Nhật Bản hiện là 19.522 người, trong đó có 977 ca tử vong.

Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế tổ chức sự kiện theo đúng kế hoạch từ ngày 10/7 để khôi phục hoạt động kinh tế xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, các sự kiện dưới 5.000 người tham gia hoặc số lượng người tham gia đảm bảo dưới 50% tổng số ghế sẽ được phép tổ chức. Những người tham gia sự kiện sẽ được yêu cầu cài đặt trước phần mềm truy vết tiếp xúc COVID-19 và đăng ký thông tin liên lạc. Các nhà quản lý cơ sở, tổ chức sự kiện được yêu cầu triển khai các biện pháp kiểm tra thân nhiệt và hạn chế tham gia đối với các trường hợp có các triệu chứng như sốt cao.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo những điểm cần lưu ý cho các địa phương trong quá trình nới lỏng hạn chế này, theo đó, các trường hợp có triệu chứng như sốt cao được yêu cầu hạn chế ra ngoài và đi lại giữa các địa phương cũng như đến các địa điểm mà biện pháp phòng dịch không được thực hiện một cách triệt để. 

Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản vẫn duy trì ở mức cao. Ngày 8/7, Nhật Bản ghi nhận 204 ca lây nhiễm nội địa và 3 ca nhập cảnh. Chính phủ Nhật Bản cho rằng hệ thống y tế nước này vẫn đang được đảm bảo, tình trạng lây nhiễm hiện tại chưa đến mức phải ban bố lại tình trạng khẩn cấp.

Trung Quốc tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/7. Ảnh: THX/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 9/7, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc ghi nhận 9 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh. 

Theo NHC, trong số các ca nhập cảnh mới này có 3 ca ở tỉnh Liêu Ninh, 3 ca ở Thượng Hải, 2 ca ở tỉnh Quảng Đông và 1 ca ở tỉnh Tứ Xuyên. Như vậy, cho đến nay, Trung Quốc có tổng cộng 83.581 ca mắc COVID-19, trong đó 4.634 ca tử vong. 

Hàn Quốc tiếp tục xuất hiện ca nhiễm lẻ tẻ

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 9/7, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy với 50 ca nhiễm mới (trong đó 28 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên 13.293 ca. 

Thêm 49 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, nâng tổng số lên 12.019 người. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã có thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 287 người, chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh nền từ trước. 

Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng lệnh giãn cách xã hội vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này xuất hiện các cụm lây nhiễm lẻ tẻ, hầu hết liên quan đến các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Các ca nhiễm mới vẫn liên tiếp xuất hiện tại các cơ sở tôn giáo như nhà thờ ở Wangsung tại Seoul, nhà thờ Juyoungkwang ở thành phố Anyang, tỉnh Gyeonggi, và chùa Gwangleug ở thành phố Gwangju...

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng như cơ quan y tế Hàn Quốc tiếp tục khuyến cáo cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống dịch COVID-19.

Số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh tại Trung Đông 

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Hebron, Bờ Tây ngày 22/6. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Hebron, Bờ Tây ngày 22/6. Ảnh: THX/TTXVN

Palestine đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trên toàn khu Bờ Tây sau khi ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 24 ca kể từ khi dịch bùng phát ngày 5/3.

Theo đó, một lệnh phong tỏa toàn diện đã được áp đặt ở khu Bờ Tây sau khi Chính quyền Palestine trước đó quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm 5 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trước đó cùng ngày, Bộ Kinh tế quốc gia của Chính quyền Palestine cho biết đã phạt 15 chủ cơ sở công nghiệp và thương mại không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Cảnh sát Palestine đã đóng cửa nhiều cửa hàng, giữ nhiều phương tiện đi lại và bắt giữ nhiều người không tuân thủ tình trạng khẩn cấp và lệnh phong tỏa. Theo Bộ trên, trong 24 giờ qua có 475 ca nhiễm tại Bờ Tây, nâng tổng số ca nhiễm  tại đây lên 5.544 ca. 

Tính tới 6 giờ sáng 10/7 (giờ Việt Nam), Palestine có 5.220 ca, trong đó 24 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 6/7. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 6/7. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Israel có 1.268 ca nhiễm và 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel lên 34.825 ca và 348 ca tử vong. 

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Thiếu tướng Aviv Kochavi đã được cách ly theo dõi, do nghi mắc COVID-19. Ông Kochavi hồi tuần trước đã tiếp xúc với một sỹ quan có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS- CoV-2

Tại Oman, tổng số ca nhiễm đã tăng lên 51.725 ca sau khi có thêm 1.518 ca nhiễm trong 24 giờ qua, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 236 ca sau khi có thêm 3 ca.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng thông báo ghi nhận thêm 532 ca nhiễm và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt 53.577 ca và 328 ca.             

Châu Âu:

Bulgaria, Slovakia đều ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất 

Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thủ đô Sofia, Bulgaria ngày 11/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thủ đô Sofia, Bulgaria ngày 11/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Bulgaria ngày 9/7 đã ghi nhận 330 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Bulgaria là 6.672ca, trong đó có 262 ca tử vong. 

Trong khi đó, cùng ngày, Slovakia cũng thông báo ghi nhận 53 ca nhiễm, mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 22/4. 

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Slovakia Igor Matovic cho rằng số ca nhiễm trong ngày ở mức cao cho thấy khó có thể tiếp tục trông cậy vào trách nhiệm của người dân. Hiện chưa rõ liệu tuyên bố trên của ông Matovic có đồng nghĩa với việc Slovakia sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế hay không. Văn phòng Thủ tướng Slovakia cũng chưa đưa ra bình luận nào. 

Tuy nhiên, Bộ Y tế Slovakia khẳng định tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, lực lượng chức năng đã xác định được các ổ dịch và đưa ra các biện pháp khống chế. Bộ Y tế đang tiếp tục theo dõi tình hình.

Tính đến nay, Slovakia ghi nhận tổng cộng 1.851 ca nhiễm, trong đó có 28 ca tử vong và 1.477 người đã bình phục.

Bỉ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 25/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 25/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 9/7, Hội đồng Cố vấn cấp cao y tế (CSS) thuộc Bộ Y tế Bỉ đã đưa ra khuyến nghị về quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các cửa hàng trên toàn nước Bỉ. Cơ quan cố vấn khoa học của Bộ Y tế Bỉ tuyên bố: “Quy định này là cần thiết để bảo vệ khách hàng và người bán hàng khỏi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2”.

Quy định này được đưa ra từ một báo cáo của CSS và căn cứ vào các dữ liệu khoa học về lợi ích của việc đeo khẩu trang và tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng tại Bỉ. Theo CSS, phần lớn người dân Bỉ rất dễ bị chuyển bệnh nặng hoặc tử vong sau khi bị nhiễm virus SARS-Cov-2. CSS cũng nhấn mạnh: “Quy định này là cần thiết để bảo vệ người dân Bỉ chống lại thói quen gây nguy hại của một số người khi không lo lắng cho việc bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước đại dịch COVID-19”. Ngoài ra, CSS cho rằng, việc đeo khẩu trang còn giúp nhắc nhở người đeo và những người xung quanh rằng virus SARS-Cov-2 vẫn chưa biến mất.

Trong đợt dịch COVID-19 hoành hành tại châu Âu, Bỉ là một trong những quốc gia có số người tử vong tính trên 100.000 dân cao nhất châu Âu. Có nhiều lý do để giải thích về hiện tượng này, tuy nhiên đáng chu ý là cách tính số nạn nhân tử vong vì đại dịch COVID-19 của Bỉ khá khác biệt so với các nước khác, khi họ tính cả những bệnh nhân tử vong không được tiến hành xét nghiệm virus SARS-Cov-2 mà chỉ dựa vào kết luận khám bệnh lâm sàng của các bác sỹ.

Cho tới nay, Bỉ (dân số 11,5 triệu người) có tới 62.210 người mắc COVID-19, trong đó có 9.778 ca tử vong, trong khi 17.159 người đã bình phục.

Tầng cao nhất của tháp Eiffel mở cửa trở lại 

Du khách tham quan Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Du khách tham quan Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại thủ đô Paris của Pháp, tầng cao nhất của tháp Eiffel sẽ mở cửa trở lại từ ngày 15/7 sau nhiều tháng ngừng đón khách tham quan do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tất cả khách tham quan đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với nhau. Một khi mở cửa, tầng 3 của tháp Eiffel sẽ chỉ tiếp đón không quá 250 khách tham quan trong cùng một thời điểm. Trước đó, tầng 1 và tầng 2 của tháp đã mở cửa trở lại vào ngày 26/6. 

Tháp Eiffel là công trình kiến trúc biểu tượng của nước Pháp. Mỗi năm, địa điểm này thu hút khoảng 7 triệu lượt khách tham quan, khoảng 75% là du khách nước ngoài. Ngành du lịch Pháp đã chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khi các khách sạn, nhà hàng, bảo tàng và rạp hát buộc phải đóng cửa trong 3 tháng.

Nga cấp phép loại thuốc thứ 3 điều trị COVID-19 

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 17/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 17/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho loại thuốc thứ 3 - Koronavir - dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Nhà sản xuất Koronavir, tập đoàn R-Pharm xác nhận họ đã hoàn tất quá trình đăng ký thuốc chữa bệnh COVID-19 ở thể nhẹ và vừa. Tập đoàn dược phẩm này cho biết Koronavir là một trong những loại thuốc đầu tiên trực tiếp chống virus SARS-CoV-2, song không chữa trị các biến chứng của bệnh COVID-19. Hiệu quả của thuốc đã được xác nhận trong một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ và trung bình. Kết quả cho thấy 55% bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện từ ngày thứ 7 dùng thuốc Koronavir. 

Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký, thuốc sẽ được chuyển đến các địa phương của Nga và sẽ được sử dụng tại các bệnh viện

Trước đó, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho thuốc Avifavir và Areplivir điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Tháng trước, Avifavir đã được đưa vào các phòng khám và tổ chức dược phẩm ở một số khu vực của LB Nga. 

Các nhà khoa học Nga và các chuyên gia Bộ Quốc phòng cũng đang nghiên cứu một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Các loại vaccine ngừa COVID-19 cũng đang được phát triển tại Đại học Y 1 Moskva mang tên I. Sechenov.  

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN