Trong nhiều năm qua, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, mang lại hiệu quả cao, góp phần vào kim ngạch xuất khẩu chung toàn tỉnh.
Việc tìm đầu ra để tiêu thụ các sản phẩm luôn là vấn đề bức xúc được lãnh đạo tỉnh quan tâm, các doanh nghiệp chú trọng. Từ đó, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Bến Tre từng bước được mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nguyên liệu trong tỉnh.
Theo Sở Công Thương, trong gần 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa trong tỉnh tăng nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu chung của tỉnh. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu chung toàn tỉnh đạt 32 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chiếm 23 triệu USD, tỷ trọng 72%. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đạt 95 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa là 43 triệu USD, tỷ trọng tuy có giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2000. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 230 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa 75 triệu USD. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu 363 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa 159 triệu USD, chiếm tỷ trọng 44%.
Cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa trong thời gian qua tăng nhanh do nhu cầu tiêu thụ dừa trên thế giới ngày càng nhiều. Chủ yếu dừa Bến Tre xuất khẩu vào thị trường Châu Á, gồm: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Srilanka, Thái Lan, Singapore. Trong đó thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống, dễ tính, không yêu cầu chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá dễ thỏa thuận, chi phí vận chuyển thấp, mua bán linh hoạt. Thị trường châu Âu, gồm: Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan. Sức mua ở thị trường này khá lớn, chiếm tỷ trọng 2% (2000), 20% (2005) nhưng sau đó giảm còn 14% do nhu cầu thị trường đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao, phải đạt theo tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường châu Mỹ, tập trung vào các nước: Canada, Hoa Kỳ, Argentina, Mexico, Braxin, là thị trường tiềm năng, tăng nhanh qua từng năm. Năm 2000 chiếm tỷ trọng 1%, năm 2005 chiếm tỷ trọng 0,6%, đến năm 2010 chiếm tỷ trọng 14% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường châu Phi tập trung các nước: Algieria, Sudan, Ai Cập, Angola, Morocco, Tunisia. Đây là thị trường mới có nhiều triển vọng tăng nhanh nhưng khả năng thanh toán khó khăn do khủng hoảng tài chính. Đối với thị trường châu Đại Dương, hàng của Bến Tre vào rất hạn chế do có sự cạnh tranh sản phẩm đồng dạng của Trung Quốc, các nước lân cận khối ASEAN. Nhìn chung, thị trường xuất khẩu các sản phẩm dừa Bến Tre ngày càng được mở rộng, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, giảm xuất thô, nâng cao giá trị cây dừa. Thị trường có chuyển dịch, từ một số thị trường trung gian sang thị trường trực tiếp. Song, thị trường xuất khẩu thiếu tính bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao.
Để cây dừa và các sản phẩm từ dừa của Bến Tre phát triển bền vững, định hướng của tỉnh là đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tập trung vào thị trường mục tiêu, mở rộng thị trường tiềm năng, thâm nhập thị trường mới, đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro khi có biến động. Trong đó, xác định châu Âu là thị trường mục tiêu; châu Á là thị trường truyền thống, châu Mỹ là thị trường tiềm năng và châu Phi là thị trường mới.