|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám chất vấn tại hội trường. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 16-11, Quốc hội bắt đầu phiên họp giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã
nghe Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát
chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình
trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám
sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về
hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến
năm 2015.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân
nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả
giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội
và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội
khóa XIII đến năm 2015.
Ngay sau khi nghe các báo cáo nói trên, Quốc hội
thảo luận về các báo cáo và chất vấn một số vấn đề liên quan.
Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu
kiến nghị của nhiều doanh nghiệp xung quanh khoản 5, Điều 5, mục B của Thông tư
21 quy định chỉ được đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của
thuốc bảo vệ thực vật.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức
Phát cho biết trước khi thông tư ban hành, 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật được
lưu hành với 1.700 các hoạt chất. Số lượng này quá nhiều, gây khó khăn cho nông
dân khi lựa chọn thuốc cũng như công tác quản lý.
Bộ trưởng nêu rõ: "4.100 tên thuốc có nghĩa
với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng lại có những loại thuốc rất khác
nhau. Nhiều khi chỉ chênh nhau hàm lượng một chút hoặc cho thêm thành phần nào
đó, lại đặt một tên khác. Trong khi đó, tên thuốc đặt lại không phải là tiếng
Việt, phần lớn tên thuốc mà ngay cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ."
Thậm chí, Bộ trưởng nêu thực trạng thuốc bảo vệ
thực vật xuống cấp cũng đổi tên. Để chấn chỉnh tình hình này, Bộ trưởng Cao Đức
Phát khẳng định phải siết chặt, trong đó có việc quy định việc đăng ký tên
thuốc. Thông tư 21 quy định mỗi tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký một tên thuốc cho
một loại hoạt chất, một thuốc kỹ thuật và thuốc thành phẩm. Bộ trưởng lo ngại
nếu để như trước đây, sẽ gây rối và khó cho nông dân và nhà quản lý.
Tuy nhiên, trước sự viện dẫn của đại biểu Nguyễn
Văn Tuyết về 40 doanh nghiệp đã ký vào biên bản, đề nghị xem xét lại quy định
này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe, xem xét kỹ ý kiến
của các doanh nghiệp. Một lần nữa, Bộ trưởng khẳng định: "Tinh thần là sẽ
siết chặt quản lý để đảm bảo lợi ích của người dân."
Sẽ xử lý dự án, công trình không trồng bù rừng thay thế
Trả lời chất vấn của các đại biểu Tô Văn Tám
(Kom Tum), Trương Văn Vở (Đồng Nai) về vấn đề trồng bù diện tích rừng thay thế
cho các dự án công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho
rằng trong lĩnh vực này, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương. Thời gian qua, hai Bộ đã phối hợp
chặt chẽ.
Năm 2015, các cơ quan chức năng đã làm được khá
nhiều việc, trong đó có vai trò rất tích cực của các địa phương và sự cố gắng
từ các chủ đầu tư dự án, công trình thủy điện. Do đó, năm 2015 khả năng sẽ hoàn
thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế của các công trình thủy điện đã được Tổng
cục Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra. Năm 2016, đối với
diện tích rừng mà các công trình thủy điện đã lấy để phát triển, sẽ hoàn thành
kế hoạch trồng bù rừng thay thế.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Vũ Huy
Hoàng cho biết Bộ Công Thương đã đề ra ba phương án. Đối với những dự án thủy
điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trồng bù diện tích rừng thay thế, một
mặt Bộ tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, đồng thời đôn đốc các chủ đầu
tư phải hoàn thành tiến độ trồng bù rừng thay thế theo đúng phương án mà cấp có
thẩm quyền đã phê duyệt. Nếu những chủ đầu tư không hoàn thành sẽ xử lý theo
quy định đối với việc trồng bù rừng thay thế.
Những dự án thủy điện đang có phương án trồng bù
diện tích rừng thay thế, trong khi chờ phương án phê duyệt, ngành công thương
sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực một năm. Sau một năm, phương án
trồng bù rừng thay thế đã phê duyệt, nếu chủ đầu tư không thực hiện, Bộ Công
Thương sẽ xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với những chủ dự án đã có phương án được phê
duyệt nhưng không thực hiện, do khuyết điểm, thiếu trách nhiệm của chủ dự án,
Bộ Công Thương sẽ cho thủy điện đó tạm thời dừng và rút giấy phép hoạt động
điện lực của chủ đầu tư cho đến khi khắc phục được tình trạng đó.
Về sự chênh lệch trong thống kê diện tích trồng
bù rừng thay thế của công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy
Hoàng giải thích vấn đề này, có thể trong thời điểm thống kê giữa Bộ Công
Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có khác nhau. Mặt khác, có thể
do một số công trình kết hợp giữa thủy lợi và thủy điện, nhưng thủy lợi là
chính, còn thủy điện chỉ hỗ trợ.
Bộ trưởng nêu ví dụ ở công trình Thủy lợi thủy
điện Cửa Đạt (Thanh Hóa) và một số công trình khác. Kiểu công trình này chủ yếu
là thủy lợi nên khi thống kê diện tích rừng phải trồng thay thế đã tính vào
công trình thủy lợi, mà không tính hoặc tính rất ít vào công trình thủy điện.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm và đảm bảo thống nhất các con số
trong báo cáo về diện tích trồng rừng thay thế để phù hợp, đúng với thực thế.