Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng

05/11/2019 - 06:48

BDK.VN - Chiều ngày 4-11-2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng VKSND (VKSND) tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung các báo cáo của Chính phủ, của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao tại kỳ họp lần này và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Những kết quả đã đạt được trong đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền từ cơ sở đến trung ương trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, góp phần giữ vững sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nhưỡng cũng nêu ra một số vấn đề cử tri đặt ra là:

Còn nhiều tin báo tố giác tội phạm không được xem xét. Nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng không được điều tra hoặc đang dần bị chìm xuồng như vụ phân bón Thuận Phong ở Đồng Nai, nhiều cháu bé ở TP. Hồ Chí Minh bị xâm hại tình dục, một miếng đất 4 sổ đỏ tại Thanh Hóa... Đại biểu Nhưỡng mong rằng những hạn chế, khó khăn của cơ quan tiến hành tố tụng sớm được tháo gỡ để giải quyết các vấn đề trên. Để đạt được điều đó, cần quan tâm đến biên chế và chất lượng cán bộ của các cơ quan hoạt động tư pháp.

Trong hoạt động tư pháp, cần quan tâm đến vị trí, vai trò và bản lĩnh của ngành Kiểm sát nhân dân. Theo Hiến pháp, pháp luật, VKSND được giao hai chức năng quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Về lý luận và thực tiễn cho thấy, nhà nước đang đặt hai trọng trách quan trọng lên vai ngành Kiểm sát, trong khi TAND mới là cơ quan nắm quyền lực tư pháp. Nhiều cử tri cho rằng, người đứng đầu ngành Kiểm sát nhân dân còn chịu sự lép vế trong sắp xếp, bố trí nhân sự. Ở địa phương Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND rất khó vào Ban Thường vụ. Ở Trung ương, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ là Ủy viên Trung ương, trong khi đó người đứng đầu hệ thống mà VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương. Do đó, việc phối hợp, kiểm sát gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cải thiện để ngành Kiểm sát nhân dân có thêm điều kiện thực thi nhiệm vụ.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng, hiện nay cử tri đánh giá hoạt động của VKSND chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao. Có thể nói vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay giảm sút nhiều so với những năm trước đây. Cần phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, nhận diện và quyết tâm hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cho biết trách nhiệm của Chính phủ, VKSND tối cao đối với vụ AVG và Thanh tra Chính phủ trả lời cho cử tri được biết về việc 9 người Việt Nam đi cùng với Đoàn công tác cấp cao sang Hàn Quốc sau đó trốn ở lại có tham nhũng hay không?.

Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN