Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị cho phép địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn

22/06/2024 - 10:56

BDK.VN - Chiều 21-6-2024, tiếp tục chương trình đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Nội dung sửa đổi là cho phép 4 Luật có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, sớm hơn so với thời điểm có hiệu lực đã quy định trong các luật này.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại hội trường chiều 21-6-2024.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa 4 Luật được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. Đại biểu cho rằng việc ban hành các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã nhận rõ những “điểm nghẽn”, “nút thắt”, khó khăn của nền kinh tế, việc sớm đưa các luật này đi vào thực tiễn nhằm huy động, khơi thông các nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của các địa phương, đây là việc cần làm và chúng ta phải cố gắng hết sức để thực hiện việc này.

 Tuy nhiên, qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu thấy còn băn khoăn và Chính phủ cần làm rõ thêm các nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, nhất là đánh giá kỹ sự sẵn sàng ở cấp Trung ương và địa phương để các Luật thực hiện được thông suốt. Đại biểu nhấn mạnh việc triển khai thực hiện các Luật nêu trên phải xem xét vai trò, trách nhiệm, nguyện vọng của 3 nhóm chủ thể là: Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các hướng dẫn triển khai thực hiện qua các nghị định, thông tư. Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ nghị định, thông tư của cấp trung ương có trách nhiệm xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh và các quyết định của UBND tỉnh để quy định cụ thể các vấn đề được Luật giao. Còn với đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thì các quy định của pháp luật càng rõ ràng, mang lại lợi ích thiết thực và có hiệu lực càng sớm, thì người dân, doanh nghiệp càng đánh giá cao và đất nước có lợi.

Tuy nhiên, qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề đặt ra là trong một thời gian rất ngắn phải ban hành tới 16 nghị định, rất nhiều thông tư có liên quan để triển khai các Luật. Như vậy, về mặt chất lượng, tính đồng bộ, sự thống nhất cần đảm bảo trên hết và đặc biệt là tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa 4 Luật này cũng như các luật khác có liên quan và đây cũng là một vấn đề lo lắng của địa phương. Bởi vì khi địa phương triển khai xây dựng nghị quyết và các quyết định thì phải luôn căn cứ vào cơ sở pháp lý là nghị định, thông tư của Trung ương, những gì Trung ương giao cho HĐND hoặc UBND thì cấp địa phương phải quy định chi tiết và không được trái, thiếu.

Đại biểu chỉ rõ, hiện Chính phủ chỉ mới ban hành 1/16 nghị định, còn tất cả đều dừng ở dự thảo đang lấy ý kiến, nhiều điểm chính quyền địa phương cấp tỉnh chưa biết cụ thể hóa như thế nào trong nghị quyết, mặc dù đã có giao cho các sở, ngành nghiên cứu trước. Từ góc độ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương cấp tỉnh, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ các vấn đề sau:

Một là, đề nghị Chính phủ cố gắng từ đây đến đầu tháng 7-2024 ban hành xong các nghị định, nhất là những nghị định quy định chi tiết những vấn đề then chốt trong Luật Đất đai liên quan đến các vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất hay tính tiền trong tất cả các khâu đang làm để tránh những quy định không thống nhất với nhau, làm cho các dự án chuyển tiếp cũng như các dự án bắt đầu mới rất khó khăn. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương sẽ tập trung nỗ lực tối đa để xây dựng và ban hành các nghị quyết và các quyết định ở cấp mình.

 Hai là, nếu Quốc hội quyết định cho phép các luật nêu trên có hiệu lực vào ngày 1-8-2024, trong khi Quốc hội họp xong là đã hết tháng 6, chỉ còn duy nhất một tháng, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND cấp tỉnh được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Vì trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ phải trải qua nhiều bước, với nhiều thủ tục, qua nhiều cơ quan, từ khâu dự thảo, lấy ý kiến chuyên ngành, phản biện xã hội của MTTQ, góp ý của các đối tượng có liên quan, thẩm định của cơ quan Tư pháp, thông qua thành viên UBND, cấp ủy, Thường trực HĐND… nên không thể nào nhanh được, nếu muốn nhanh thì phải cho phép thực hiện theo quy trình rút gọn. Riêng UBND cấp tỉnh phải ban hành tới 17 quyết định, đó là một khối lượng công việc cực kỳ lớn, nên việc đảm bảo tiến độ, thời gian là vấn đề cấp tỉnh đang rất quan tâm.

Ba là, đại biểu cho rằng dù có nỗ lực tối đa nhưng tỉnh cũng khó có thể hoàn thành toàn bộ công việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền trong cùng một thời gian ngắn. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép các nghị định, thông tư nào có hiệu lực trước thì địa phương triển khai trước; đồng thời, đề nghị các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn cho địa phương những vấn đề nào tỉnh cần ưu tiên triển khai thực hiện trước, cái nào có thể thực hiện sau khi Luật có hiệu lực để các địa phương an tâm thực hiện.

Đại biểu tin rằng dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, các Luật quan trọng nêu trên sẽ sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho công tác quản lý nhà nước ở các cấp.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN