BDK.VN - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV, chiều ngày 27-11-2024, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT (PCMT) đến năm 2030 và QH biểu quyết thông qua với tỷ lệ 94,57% đại biểu QH tán thành.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT đến năm 2030 (Chương trình) đề ra mục tiêu tổng quát là: phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong PCMT; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCMT trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể: Làm tốt và nâng cao nhận thức về PCMT của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là với người có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động nhằm giảm mạnh số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; giữ vững, mở rộng và tiến tới các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy.
Đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng và trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma túy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, trợ giúp pháp lý và tư vấn trong PCMT.
Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: Hàng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy; Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá.
Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.
Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%.
Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; phấn đấu 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túycông lập bảo đảm điều kiện theo quy định của Luật PCMT; trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định; ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về PCMT; phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCMT cho người học tại 100% nhà trường và trên 70% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50 ngàn người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình trước Quốc hội.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; thời gian thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030. Tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu: 17.725,657 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương: 4.674,537 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác: tối thiểu 50 tỷ đồng.
Cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình: QH quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình.
QH giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; hai năm một lần, Chính phủ báo cáo QH kết quả thực hiện Chương trình; năm 2030, tổng kết việc thực hiện Chương trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chương trình cho giai đoạn tiếp theo.
Giao Thủ tướng Chính phủ đuyết định đầu tư Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật; ban hành tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn không có ma túy; căn cứ các mục tiêu của Chương trình, xác định rõ mục tiêu hằng năm để thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.
Chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình; chỉ đạo các địa phương cân đối, huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình.
QH giao HĐND và UBND cấp tỉnh: xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí vốn, phân bổ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình; HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình; ban hành theo thẩm quyền quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi, địa bàn để thực hiện Chương trình trên địa bàn bảo đảm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; hằng năm, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.