Cơ chế đặc thù cho các tỉnh còn phụ thuộc ngân sách Trung ương trong xây dựng các cơ sở cai nghiện ma túy
10/11/2024 - 15:54
BDK.VN - Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu một số vấn đề mà đại biểu còn băn khoăn liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại Tổ.
Đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Đại biểu cơ bản thống nhất như nội dung Tờ trình số 623/TTr-CP ngày 9-10-2024 của Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 vì đã nêu rất chi tiết, cụ thể.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào cơ sở sự cần thiết đầu tư Chương trình như: Qua các đợt tiếp xúc cử tri người dân phản ánh nhiều về tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy và mong muốn Chính phủ có một chương trình đột phá cho việc đảm bảo mục tiêu an ninh, an toàn trật tự và đảm bảo đời sống của người dân.
Bởi vì, tình hình tội phạm về mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy ngày càng phức tạp, khó lường và xu hướng ngày càng trẻ hóa, không chỉ riêng thành thị mà còn ở nông thôn, khu vực miền núi nên phạm vi mua bán cũng như người sử dụng ma túy ngày càng rộng hơn.
Đồng thời, đại biểu cũng rất đồng tình Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua theo quy trình tại một kỳ họp vì trình qua một kỳ họp để có cơ sở chuẩn bị cũng như có thời gian để phân kỳ phân định cho tổ chức thực hiện chương trình.
Về nội dung cụ thể của chương trình: Chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy đến năm 2030 xác định ba mục tiêu là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, với quan điểm là cắt nguồn cầu để giảm nguồn cung. Thể hiện rõ trong các dự án của chương trình như: Tập trung nhiều cho giải pháp cắt giảm nguồn cầu ở dự án thứ năm chiếm gần 51% của tổng của chương trình. Đại biểu đồng tình rất cao quan điểm cắt nguồn cầu để giảm nguồn cung và cho rằng đây là quan điểm rất phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Về 9 dự án và 6 tiểu dự án của Chương trình: Đại biểu nhận thấy đã phân định đều khắp các dự án với ba mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Đồng thời, nội dung 9 dự án và 6 tiểu dự án đã được Ban soạn thảo xây dựng phù hợp với 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội, đại biểu lo lắng về các chỉ tiêu này vì tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 22.450,194 tỷ đồng,như vậy so với mục tiêu, quy mô, phạm vi thực hiện Chương trình thì tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến bố trí cho Chương trình còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Về thời gian thực hiện Chương trình, đại biểu cho rằng, thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ trong 6 năm là phù hợp, việc dành năm 2025 chuẩn bị khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình là cần thiết để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề sau:
Một là, thời gian thực hiện quy định: Trong 6 năm, đại biểu đề nghị Chính phủ phải tập trung ngay từ đầu năm 2025 và bám sát vào 6 giải pháp đã đặt ra và các nhiệm vụ từ 9 dự án và 6 tiểu dự án.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các nội dung, các hoạt động của các dự án và tiểu dự án cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay để đáp ứng với các nhiệm vụ, giải pháp mình đã đặt ra vì tình hình tội phạm liên quan đến ma túy luôn diễn biến phức tạp, khó lường.
Đồng thời, rà soát để khi thực hiện nhiệm vụ không bị trùng với các nhiệm vụ quản lý của các cơ quan nhà nước được Chính phủ phân công theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2021.
Hai là, về cơ chế đặc thù: Qua xem xét dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mới chỉ có quy định “Giao Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế đặc thù đối với một số dự án đầu tư để thực hiện chương trình”nhưng đại biểu rà soát lại các quy định trong dự thảo nghị quyết lần này chưa thấy Chính phủ có nội dung đề cập đến cơ chế đặc thù.
Do đó,đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung cụ thể các quy định cơ chế đặc thù ngay trong dự thảo nghị quyết để đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn nếu có nhằm triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả hơn.
Đồng thời, quy định cơ chế đặc thù cụ thể cho các tỉnh còn phụ thuộc ngân sách trung ương được đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các cơ sở cai nghiện ma túy khi các cơ sở cai nghiện ma túy xuống cấp, số đối tượng vi phạm tập trung đông để có kế hoạch đầu tư kịp thời và đúng mức đảm bảo cho cơ sở vật chất tổ chức cho cai nghiện, điều trị, cai nghiện phục hồi đảm bảo theo đúng mục tiêu của chương trình đã đề ra.
Ba là, cơ chế, chính sách đặc thù cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng: Đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện Luật ma túy (sửa đổi) còn đang gặp nhiều khó khăn. Bởi vì quy định cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng thì giao UBND cấp huyện bố trí một đơn vị cung cấp dịch vụ về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nhưng đến nay theo báo cáo của Bộ Công an, có khoảng 26 tỉnh bố trí được địa điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Trong chỉ tiêu của chương trình đề nghị cả nước có 70% đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, như vậy nhiều địa phương sẽ khó thực hiện được vì sau hơn hai năm thực hiện Luật ma túy (sửa đổi) vẫn chưa đến 50% các tỉnh trong cả nước bố trí được địa điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải xem xét quy định phù hợp để đảm bảo cho các địa phương có nơi để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nhằm giảm tải cho các cơ sở cai nghiện bắt buộc khi tập trung tại cơ sở.
Bốn là, đại biểu đề nghị lấy phòng ngừa là chính và nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng xã hội, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong thực hiện phòng, chống tệ nạn xã hội.
Trong chủ trương đầu tư chương trình có dự án 4 quy định về nâng cao năng lực phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự án này vì hiện nay chúng ta cần phải tập trung nhiều và quyết liệt hơn nữa nhưng nguồn lực, kinh phí bố trí chưa tương xứng với nhiệm vụ cũng như trong việc thực hiện mục tiêu phòng, chống ma túy ở cơ sở nêm đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cũng cân nhắc và bổ sung sao cho phù hợp.
Năm là, vai trò cụ thể của các bộ, ngành trong tham gia phối hợp:
Vai trò của Bộ Công Thương trong quản lý các mặt hàng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy nên đại biểu đề nghị chương trình này nên có nội dung quy định cụ thể vai trò của Bộ Công Thương.
Vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong kiểm soát các vùng trồng cây thuốc phiện nên đại biểu cũng đề nghị cần quy định vai trò kiểm soát, thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phù hợp...
Thứ hai, đối với nội dung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự thảo luật).
Đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vì sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay nhưng để góp phần hoàn thiện dự thảo luật đại biểu góp ý vào một số điều, khoản cụ thể của dự thảo luật như:
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15)
Tại khoản 4 Điều 15 dự thảo luật quy định “Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.Đại biểu cho rằng, nội dung này quy định chưa được cụ thể còn chung chung khi luật có hiệu lực sẽ khó đảm bảo thực hiện được thống nhất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định cụ thể hơn đối với cụm từ“quyền và nghĩa vụ khác”.
Tại điểm c Khoản 5 Điều 15 quy định “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”, nếu quy định như dự thảo luật đại biểu cho rằng chưa có cơ sở xác định được người đó đã sử dụng sản phẩm trực tiếp hay chưa sử dụng nên đại biểu đề nghị cần cung cấp thêm thông tin cơ sở của việc mua, sử dụng, quá trình sử dụng, sau đó đánh giá kết quả vì thực tế khó xác định được người đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, nhất là người có tầm ảnh hưởng lớn đến người dân...
Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (bổ sung Điều 19a vào sau Điều 19).
Tại điểm b khoản 1, Điều 19a quy định quảng cáo mỹ phẩm “không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Đại biểu cho rằng, quy định này còn chung chung chưa được cụ thể dễ dẫn đến hiểu nhầm đề nghị bổ sung cụm từ“có thông tin”và chỉnh sửa lại quy định trên như sau:“Không được quảng cáo mỹ phẩm có thông tin gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc” cho rõ nghĩa.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 yêu cầu về bắt buộc quy định phải có tên mỹ phẩm, tính năng, công dụng, tính năng, công dụng mỹ phẩm, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường hoặc các cảnh báo khác và bổ sung một yêu cầu bắt buộc quy định trong nội dung này là kích cỡ chữ và thông tin phải rõ ràng, giải độc... và khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, chữ viết phải rõ ràng, có màu tương đồng với màu nền quảng cáo có sử dụng âm thanh phải đọc rõ khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Tại điểm b, khoản 2 quy định “nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này và các nội dung sau: công dụng của sản phẩm, các cảnh báo sức khoẻ (nếu có); phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Quảng cáo có sử dụng âm thanh phải đọc rõ khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; việc quảng cáo có sử dụng âm thanh với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc khuyến cáo, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong nội dung quảng cáo”.
Đại biểu cho rằng là một quảng cáo về thực phẩm liên quan tới sức khỏe của người dân, do đó việc quy định chặt chẽ trong việc quảng cáo có thời lượng không dưới 15 giây như vậy sẽ áp lực về thời gian mà không thông tin thì dễ bị nhầm lẫn.
Vì vậy đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “quảng cáo có sử dụng âm thanh với thời lượng ngắn dưới 15 giây” thì không phải đọc khuyến cáo nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong nội dung quảng cáo để không phải đọc nhanh hay đọc giọng khác. Đồng thời, quy định cụ thể những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì thời lượng quảng cáo phải trên 15 giây, phải đảm bảo hết các thông tin cho người dân được nắm, được nghe và hiệu rõ hơn.
Về quảng cáo trên mạng (Điều 23), theo đại biểu đề nghị cần quy định bao quát hơn về quảng cáo trên không gian mạng và phạm vi quy định cũng bao quát hơn vì trên thực tế việc quảng cáo các tờ rơi rao vặt, viết trên những cột điện, viết vào tờ giấy... Như vậy có tính chất quảng cáo về thông tin nhưng không xác định được phạm vi dự thảo luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát để bổ sung cho phù hợp.