Thành tựu phát triển kinh tế tỉnh, bài 3

Mở rộng không gian kinh tế biển

07/04/2025 - 05:12

BDK - Với đường bờ biển dài khoảng 65km cùng hệ thống các cửa sông rộng lớn, tỉnh đang từng bước khai thác tiềm năng kinh tế biển để phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân. Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 được xem là những bước đi đầu tiên trong chiến lược lấn biển và phát triển không gian kinh tế hướng Đông.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.

Phát triển năng lượng sạch

Sau gần 5 năm, tỉnh đã hình thành trung tâm năng lượng khu vực phía Đông, với điện gió là nguồn chủ lực. Với lợi thế bờ biển dài, nguồn gió ổn định, tỉnh đã tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển các dự án điện gió quy mô lớn. “Tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư và triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7MW. Hiện tại, có 9 dự án đã hoàn tất lắp đặt, với tổng đạt 374MW (tiến sát mục tiêu 500MW vào năm 2025). Đến cuối năm 2024, tỉnh có 250,75MW điện gió và 69MW điện mặt trời đã hòa lưới…”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết.

Đáng chú ý, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp của tỉnh đã đạt 32% vào cuối năm 2024, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra 15% vào năm 2030. Thành tựu này khẳng định hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển bền vững của địa phương. Mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện được phê duyệt của tỉnh sẽ đạt 1.214MW.

Song song với phát triển nguồn năng lượng, tỉnh còn tập trung đầu tư hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại. Trong giai đoạn 2020 - 2024, tổng mức đầu tư phát triển lưới điện ở tỉnh trên 1.245,8 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 2 trạm biến áp 220kV với công suất 625MW; 9 trạm biến áp 110kV, với tổng công suất đặt 757MW; có 237,796km đường dây 110kV; gần 2.827,9km đường dây điện trung thế; gần 5.358,8km đường dây hạ thế, tổng công suất máy biến áp phân phối 1.156.860kVA. Có 7 công trình 110kV trọng điểm đã đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020 - 2024.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, ngoài điện gió, các dự án điện sinh khối và điện rác cũng được đưa vào kế hoạch, nhằm đảm bảo sự đa dạng và bền vững của nguồn năng lượng. Đặc biệt, tỉnh đã xác định năng lượng mới gồm Hydro xanh, là một trong những giải pháp đột phá. Tỉnh đang xây dựng dự án “Khu tổ hợp Hydro xanh’, tận dụng nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời để sản xuất Hydro xanh, phục vụ nhu cầu năng lượng sạch trong tương lai.

Đột phá nuôi tôm công nghệ cao

Tỉnh ủy xác định thủy sản là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển. Hiện nay, tỉnh tập trung 5 đối tượng nuôi chủ yếu: tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển một số đối tượng nuôi khác như: cá chẽm, cá điêu hồng, cá rô phi dòng Gift, cua biển và sò huyết…

Hàng năm, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ước hơn 47.000ha; trong đó, nuôi tôm nước lợ khoảng 36.000ha (chiếm hơn 75%). Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hướng Đông, ngành nuôi trồng thủy sản các xã ven biển của tỉnh đang có những chuyển biến tích cực theo hướng công nghệ cao. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã đạt năng suất khoảng 60 - 70 tấn/ha, với diện tích nuôi lũy kế đạt hơn 3.600ha, đạt 90,25% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra  4.000ha.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Buội, người nuôi tôm đã chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại, ứng dụng công nghệ cao áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Có sự liên kết, hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sản phẩm tôm xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới. Để mở rộng quy mô, tỉnh đang triển khai các dự án hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Bình Đại và Ba Tri, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Bên cạnh đó, ngành chế biến thủy sản còn ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 0,39%/năm, đóng góp 13,48% vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng trung bình 10,3%/năm, chiếm 5,56% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Thực hiện Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản đến năm 2030, tỉnh đang nỗ lực khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC. Các cảng cá tại Ba Tri và Bình Đại đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống khai thác IUU). Hiện toàn tỉnh có 3.606 tàu khai thác thủy sản; trong đó, có 2.008 tàu đánh bắt xa bờ. Tỉnh đã thành lập 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đầu tư đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, việc thực hiện thành công tầm nhìn về hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh. Với các trọng tâm như: phát triển kinh tế biển; hạ tầng giao thông trục ven biển; năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo; hình thành các khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp; nông nghiệp công nghệ cao...

Những năm gần đây, các huyện ven biển của tỉnh như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đang dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, các lễ hội văn hóa, sản phẩm du lịch đa dạng đã tạo ra sức hút lớn đối với du khách. Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng lượt khách đến ba huyện biển đạt khoảng 2,3 triệu lượt, chiếm 25,4% tổng lượng khách của tỉnh, mang lại doanh thu khoảng 2.822 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng thu từ du lịch.

Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh đã khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển. Chủ động phối hợp với tỉnh Vĩnh Long hoàn thiện hồ sơ thủ tục xây dựng cầu Đình Khao. Tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cửa Đại và hoàn chỉnh đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh…

Nhằm tối ưu hóa lợi thế địa lý, khu lấn biển sẽ được đầu tư một cảng biển có khả năng đón tàu công suất lớn. Hệ thống cảng biển và giao thông kết nối được quy hoạch đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, vận tải và du lịch biển. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mà còn thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào khu vực ven biển.

Theo quy hoạch tổng thể, tỉnh có 3 vùng kinh tế, gồm: Ven biển phía Đông (gồm: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) và không gian biển thuộc địa phận tỉnh, với chiều dài 65km. Vùng bắc sông Hàm Luông (gồm: TP. Bến Tre, Châu Thành và Giồng Trôm) và Nam sông Hàm Luông (Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách). Trong đó, khu lấn biển vùng phía Đông được xác định là vùng động lực phát triển, gồm: huyện Bình Đại rộng 21.000ha, huyện Thạnh Phú 15.000ha và huyện Ba Tri 14.000ha.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN