Quy định về hành vi phòng vệ chính đáng

06/04/2025 - 21:03

Bà N.T.N có nhu cầu tư vấn: Cháu ngoại tôi là D (17 tuổi) đi chơi với bạn gái thì bị nhóm thanh niên trêu ghẹo. D bị 3 người đuổi đánh té xuống lòng đường nhưng nhóm người này vẫn dùng tay chân đánh đá tới tấp. D nhổ cọc tre cắm làm trụ rào bên đường đánh trả lại trúng vào tay anh T gây thương tích. Kết quả giám định thương tật 11%. Xin hỏi: Trường hợp của D có được xem là phòng vệ chính đáng hay không? D có xử lý hình sự hay không?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Theo Điều luật quy định thì phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Luật cũng quy định: Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 12 BLHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Khoản 1 Điều 134 BLHS quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Theo Điều luật quy định thì những hành vi như: dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên; dùng axit sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác... gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội 2 lần trở lên...

Mặt khác, theo quy định tại Điều 91 BLHS về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội…

Theo thông tin của bà cung cấp thì cháu trai bà là D đã 17 tuổi nên D phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm do hành vi mình gây ra. Như bà trình bày thì D bị nhóm 3 người đuổi đánh. Trong lúc bỏ chạy, thì D bị té xuống lòng đường nhưng vẫn bị nhóm người này tiếp tục đánh. D đã rút cây tre dùng làm rào đánh vào nhóm người này, chẳng may trúng vào tay anh T gây thương tích với tỷ lệ thương tật 11%. Trong trường hợp này thì D đã chống trả lại một cách cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Hành vi rút cây tre dùng làm rào để chống trả lại nhóm 3 người của D là để bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của mình khi đang bị xâm phạm.

Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên và nếu đúng như lời của bà trình bày thì hành vi của D được xem là phòng vệ chính đáng và D không phải phạm tội. Tuy nhiên, D phải có chứng cứ để chứng minh cho hành vi phòng vệ chính đáng của mình như: có người làm chứng lúc vụ việc diễn ra, hành vi đuổi đánh của nhóm 3 người, việc D rút cây tre làm hàng rào và đánh bừa để chống trả tự vệ, sự hung hăng của nhóm người đuổi đánh…

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN